Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vị trí, vai trò của người thầy trong sự nghiệp trồng người
Phát triển giáo dục - đào tạo là một trong những “ham muốn tột bậc” của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964) (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định giáo dục có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, trong 6 nhiệm vụ cấp bách Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, có 2 nhiệm vụ thứ hai và nhiệm vụ thứ tư đề cập đến vấn đề giáo dục: “... 2. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ... 4. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách: Cần, Kiệm, Liêm, Chính...” (2).
Trong bài viết Chống nạn thất học đăng trên Báo cứu quốc, số 58 ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ thực trạng của giáo dục Việt Nam sau hơn 80 năm bị đô hộ, đồng thời khẳng định đất nước muốn đảm bảo độc lập, muốn phát triển tiến bộ thì phải nâng cao dân trí: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí... Muốn giữ vững nền độc lập, Muốn làm cho dân mạnh nước giàu, Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà,...” (3).
Giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng và phát triển con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Từ khẳng định nêu trên, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Giáo dục phải đào tạo ra những con người có có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước hiếu với dân”, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, hăng say lao động sản xuất vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước, những con người phải vừa có đức vừa có tài, có tài, “vừa hồng vừa chuyên”, phải biết “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 23 bức thư gửi ngành giáo dục - đào tạo và có nhiều bài nói chuyện trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vị trí vai trò của giáo dục, những nhiệm vụ mà ngành giáo dục nước nhà cần phải thực hiện, trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo, của mỗi học sinh - sinh viên đối với sự nghiệp giáo dục nói riêng, sự nghiệp cách mạng cả nước nói chung. Đồng thời khẳng định những mục tiêu mà ngành giáo dục cần phải làm, đó là: đào tạo các em thành những người công dân có ích cho xã hội, phát triển toàn diện con người. Học để sửa chữa tư tưởng, Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (4).
Giáo dục phải đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (5).
Ðại biểu học sinh Trường TH Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (Tháng 5 năm 1956) (Ảnh tư liệu)
Giáo dục phải vì sự phát triển con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải tạo ra những công dân tốt, cán bộ tốt cho nước nhà… Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”(6). Giáo dục có quan hệ đến hưng thịnh, suy vong của đất nước, đến thế hệ cách mạng đời sau: “Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến các thế hệ sau”.
Muốn đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải thực hiện một nền giáo dục toàn diện, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới trong bối cảnh chung của thế giới. Nội dung của giáo dục bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, các ngành nghề liên quan trực tiếp tới công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên qua tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thư gửi các em học sinh (24/10/1955), Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm 4 nội dung: “Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung. Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới. Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công” (7).
Trong giáo dục, giáo dục đạo đức được coi là gốc rễ, nền tảng vì: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản,… thì còn làm nổi việc gì?”. Nhân dịp về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964, trong buổi nói chuyện với thầy, trò nhà trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.
Trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà thì việc định hướng nhiệm vụ cho từng cấp học là việc làm cần thiết. Trên cơ sở đó, trong thư Gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng nhiệm vụ cho từng cấp học: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” (8).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, người thầy giáo, cô giáo có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt. Họ chính là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa – giáo dục, là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. “Có gì vẻ vang hơn là nghề đạo tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa” (9).
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng (tranh của họa sĩ Đỗ Hữu Huề) (Ảnh tư liệu)
Do vậy, việc xây dựng, phát triển đội ngũ những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề then chốt, quyết định đến chất lượng giáo dục nước nhà. Bởi vì “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dụng học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Các thầy, cô giáo phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, theo tinh thần “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Đồng thời phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề giáo để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên noi theo. Thầy giáo phải là tấm gương vượt khó trong sự nghiệp “trồng người”, thực hiện theo lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vai trò của người thầy trong sự nghiệp “trồng người” cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Tư tưởng đó chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021): “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam” (10).
Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng
Tài liệu tham khảo:
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 187.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.7.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.40.
Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 208.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 34, 35.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.11, tr. 528
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.10, tr. 175.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 186
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 402, 403.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.136-137.
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm