Ứng phó bão số 12: Kích hoạt phương án sơ tán hơn 400.000 dân 5 tỉnh Nam Trung Bộ

Bão số 12 đang tiến nhanh vào đất liền, dự kiến sẽ gây mưa kéo dài nhiều ngày tại nhiều tỉnh, TP, trọng tâm là khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Để chủ động phương án ứng phó, sáng 9/11, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các bộ ngành liên quan bàn giải pháp phòng chống.
09/11/2020 14:55

Nguy cơ tác động lớn đến sản xuất, an toàn đê điều, hồ chứa

Theo thông tin từ cơ quan khí tượng thuỷ văn, bão số 12 dự kiến sẽ ảnh hưởng đến trọng tâm là 5 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là khu vực có diện tích cây trồng chưa thu hoạch lớn và nhiều nguy cơ mất an toàn về đê điều, hồ chứa. 

Hiện, diện tích rau màu chưa thu hoạch tại khu vực là 57.477ha. Diện tích lúa chưa thu hoạch 52.067ha, trong đó, lúa giai đoạn chín là 10.154ha. Tổng gia súc hơn 2 triệu con; gia cầm hơn 20 triệu con. Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân thu hoạch sớm diện tích lúa, rau màu với phương châm xanh nhà hơn già đồng, và gia cố chuồng trại, bảo đảm an toàn cho vật nuôi.

Thông tin tại cuộc họp, trực ban Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã lên kế hoạch di dời 103.644 hộ dân với 403.426 người tương ứng với kịch bản bão cấp 8 – 11. Trong đó, Bình Định 15.761 hộ/64.530 người; Phú Yên 30.162 hộ/107.371 người; Khánh Hòa 37.837 hộ/151.349 người; Ninh Thuận 9.529 hộ/38.116 người; Bình Thuận 10.355 hộ/42.060 người.

BS12

Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng chiều dài các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận là 148,2 km. Trong đó, có 9 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 1,8km. Do ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ làm sạt lở 1,6 km kè biển Tam Quan (Bình Định); hiện nay địa phương mới khắc phục tạm thời những vị trí bị sạt lở nặng bằng bao tải cát. Các địa phương tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, triển khai phương án gia cố, bảo vệ các trọng điểm xung yếu, công trình đang thi công dở dang và các sự cố đê điều đã xảy ra để ứng phó với bão số 12.

Trước nguy cơ mưa lớn kéo dài do bão số 12, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đang chỉ đạo các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên vận hành xả lũ 7 hồ chứa. Lưu lượng cụ thể của một số hồ chứa thuỷ lợi là: Cửa Đạt 21m3/s (Thanh Hóa); Tả Trạch 211m3/s (Thừa Thiên Huế); Phú Ninh xả 60 m3/s (Quảng Nam). Các hồ chứa khác đang xả dưới 20m3/s.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Công Thương sáng 9/11 cho biết thêm, tại khu vực Tây Nguyên hiện có 20 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn. Tương tự tại Kku vực Duyên Hải Nam Trung Bộ, 11 hồ chứa cũng được vận hành điều tiết qua tràn để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.

Quản chặt tàu thuyền, chủ động ứng phó mưa lũ sau bão

Phát biểu tại cuộc họp sáng 9/11, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, nhiệm vụ trọng tâm ứng phó bão số 12 hiện nay là bảo đảm an toàn trên biển. “Sau hơn 1 tháng nằm bờ vì ảnh hưởng của liên tiếp nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới, người dân đang rất nóng ruột, mong muốn ra khơi. Điều này có thể làm nảy sinh tâm lý chủ quan. Chính vì vậy các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời cảnh báo cũng như quản chặt việc ra khơi của tàu thuyền…" - ông Trần Quang Hoài đề nghị. 

Đại diện Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành bắn pháo hiệu đồng loạt tại các điểm trong đêm nay để thông tin cho người dân, đặc biệt là ngư dân biết. Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức đoàn đi kiểm tra giám sát việc bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ven bờ. 

Đối với khu vực ven bờ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị khẩn trương rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu; chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở. Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước chủ động điều tiết để đón lũ, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường dự báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở. Đồng thời, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt…

Theo Kinh tế đô thị

comment Bình luận

largeer