Ứng phó với các bệnh dễ trở nặng khi trời lạnh
Vì thế khi trời trở lạnh, nhiệt độ giảm thấp như những ngày này, cần lưu ý bởi có nhiều bệnh sẽ trở nên nặng hơn, có nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Tăng huyết áp
Lạnh thường khiến mạch bị co lại đột ngột dẫn tới huyết áp tăng, gây nguy cơ xuất huyết não, đột quỵ.
Vì thế những người đã có bệnh tăng huyết áp cần chú ý, ngoài việc uống thuốc hạ áp đều đặn, người bệnh cần theo dõi huyết áp sáng, trưa, tối. Đo huyết áp khi cảm thấy cơ thể bất thường.
Nhiều khi tăng huyết áp đột ngột ngay cả đã uống thuốc. Yếu tố nguy cơ đi kèm với nhiệt độ thấp là rượu.
Uống rượu, nhất là khi thời tiết lạnh rất nguy hiểm với người có bệnh lý tim mạch. Vào những ngày trời lạnh giá, người bệnh tăng huyết áp nên giữ ấm toàn thân, hạn chế ra ngoài trời, chuyển tập thể dục buổi sáng sang buổi chiều. Nên ăn chế độ ăn nhạt, giảm muối.
Hen phế quản, COPD
Thời tiết lạnh khiến phế quản co thắt, gây hẹp đường thở, khó khăn cho việc thở, nhất là khi thở ra. Bệnh nhân hen sẽ có các cơn hen.
Những bệnh nhân viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) vào các đợt lạnh thường tái phát các đợt viêm do nhiễm virut, vi khuẩn từ đường hô hấp trên. Các đợt viêm nhiễm này thường trầm trọng hơn, dễ suy hô hấp. Khi đó bệnh nhân cần được nhập viện gấp.
Bệnh viêm xoang
Mũi xoang có nhiệm vụ làm ấm, làm ẩm luồng không khí trước khi vào phổi. Điều kiện thời tiết lạnh, ẩm ướt hoặc hanh khô đều ảnh hưởng tới mũi xoang.
Giá lạnh khiến cho hệ thống mao mạch ở đây co mạnh, gây nghẹt mũi. Một số người cơ địa dị ứng, niêm mạc mũi sẽ có các phản ứng quá mẫn cảm như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết.
Nghẹt mũi, chảy nước mũi và tình trạng ứ đọng dịch tiết tại đây sẽ làm tăng tình trạng viêm xoang, nhất là khi đó cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng khi lạnh.
Vì thế, mùa lạnh nhiều người có thể mắc viêm xoang cấp hoặc tái phát ở viêm xoang mạn tính gây nghẹt mũi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, vùng mũi, xoang.
Để phòng ngừa viêm xoang tái phát và nặng lên khi thời tiết lạnh giá, nên dùng khẩu trang khi đi ra ngoài không khí lạnh. Giữ ấm toàn thân.
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng và súc miệng nước muối sinh lý vào buổi tối.
Bệnh lý dạ dày
Người có bệnh viêm loét dạ dày thường thấy đau nhiều hơn khi trời lạnh. Đó là do thời tiết lạnh, máu có xu hướng chuyển ra ngoại vi để giữ ấm cơ thể và dồn về tim, phổi.
Thông thường, khi ăn, máu sẽ dồn về dạ dày cho việc tiêu hóa thức ăn.
Khi đó nếu máu rút khỏi dạ dày sẽ làm chậm lại quá trình tiêu hóa, gây ứ đọng thức ăn và dịch vị, tạo điều kiện cho viêm dạ dày, tăng nặng tình trạng loét dạ dày, gây đau dạ dày.
Sự giảm nhiệt độ cũng làm gia tăng lượng histamin trong máu, khiến dạ dày bài tiết nhiều dịch vị và co bóp mạnh hơn, ảnh hưởng lớn tới những người đã có tiền sử viêm loét dạ dày.
Trời lạnh, nhiều người thích ăn các món cay, lẩu, uống rượu, hút thuốc lá..., đây đều là các tác nhân kích thích khiến bệnh dạ dày trở nên nặng hơn.
Giữ ấm cho cơ thể khi trời trở lạnh. Ảnh: TM
Để phần nào ngăn ngừa và ứng phó với đau dạ dày tăng lên khi trời lạnh, người mắc bệnh viêm loét dạ dày cần giữ cho cơ thể không bị lạnh. Không tắm ngay sau khi ăn xong. Không ăn đồ lạnh, đồ cay, các chất kích thích.
Bệnh khớp
Khi nhiệt độ thấp, mưa phùn, độ ẩm trong không khí cao, nhiều người thường than thở bị đau các khớp như khớp cổ chân, cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu tay, cột sống, các khớp ngón tay, ngón chân...
Đau khớp có thể đi kèm với sưng nhẹ, có cảm giác nhức nhối, cứng khớp, khó vận động.
Thường những người kêu đau khớp khi trời lạnh đã có các bệnh lý thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, hay gặp ở người lao động nặng, dân văn phòng, kế toán, thợ may, người bán hàng, những người ít vận động, ngồi nhiều...
Đau khớp tăng lên khi trời lạnh là bởi khi nhiệt độ thấp, kéo theo áp suất không khí giảm khiến các thụ thể nhận cảm áp suất (baroreceptor) được tạo ra trong khớp gây tăng cảm giác đau khớp.
Trời lạnh, mạch co lại làm cản trở quá trình lưu thông khí huyết ở các khớp xương khiến dịch và chất dinh dưỡng đi nuôi các mô suy giảm, gân cơ co rút, dịch khớp cô đặc... có thể gây các cơn đau cổ vai gáy cấp, người bệnh thấp khớp ngồi xuống đứng lên khó khăn, khớp ngón tay khó co duỗi...
Để giảm bớt tình trạng này, người bệnh cần mặc ấm, quàng khăn, đeo găng, đi tất chân. Giữ ấm là một biện pháp phòng ngừa quan trọng. Có thể dùng túi sưởi, hoặc ngâm chân nước muối nóng, ngâm với nước gừng nóng.
Giữ ấm các khớp nhỏ (ngón tay, ngón chân), vì các khớp này ở xa, thường bị tác động nhiều nhất khi bị lạnh.
Nên tập thể dục, vận động hợp lý để tăng cường tuần hoàn, giúp máu lưu thông tốt hơn, cũng giảm bớt tình trạng cứng khớp.
Trời lạnh, mọi người thường hay quên uống nước. Uống ít nước cũng là nguyên nhân gây đau khớp, vì vậy nên uống đủ lượng nước (khoảng 2 lít mỗi ngày), nên uống nước ấm để bổ sung nhiệt cho cơ thể.
Bệnh da liễu
Thời tiết lạnh cũng rất ảnh hưởng tới những người có bệnh da liễu như chàm tăng sừng, nứt nẻ. Bệnh thường tập trung ở đầu ngón tay, chân. Da có triệu chứng dày lên, có những sọc nứt nẻ.
Khi lớp da dày lột đi để lại lớp da ở dưới màu đỏ hoặc trắng hồng, tuy không ngứa, nhưng nếu tiếp xúc với kim loại hoặc bôi thuốc không đúng sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu. Nhất là vào mùa lạnh, hiện tượng tăng sừng nứt nẻ sẽ tăng lên rất nhiều, khiến người bệnh khó chịu, đau đớn, hạn chế cử động.
Những người có cơ địa dị ứng hay ngứa, nổi mày đay, phát cước ngón tay, ngón chân. Bệnh tự miễn ngoài da như vẩy nến sẽ có xu hướng bùng phát, nặng lên khi trời lạnh.
Để phòng tránh bệnh da liễu nặng lên khi trời lạnh, nên giữ ấm chân, tay và cơ thể, luôn giữ ẩm cho da bằng loại kem thích hợp, tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng cho da như hóa chất, nước rửa chén, xà phòng...
Tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất.
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm