USAID đang hỗ trợ nâng cao năng lực kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng và phục hồi trong tình hình mới” thuộc dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” - USAID LinkSME.
27/11/2021 21:00

Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trên hành trình phát triển trong 30 năm qua. Với những cải cách kinh tế quan trọng được khởi xướng vào năm 1986 nhằm hướng tới định hướng thị trường có điều tiết, Việt Nam đã chuyển đổi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Mục tiêu cuối cùng của Chính phủ Việt Nam là phát triển từ quốc gia thu nhập trung bình thấp thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Để duy trì xu hướng tăng trưởng ấn tượng, đồng thời tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải giải quyết những thách thức chính bao gồm chính sách và quản trị nhà nước về kinh tế, cơ sở hạ tầng và nhu cầu năng lượng, tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân và phát triển năng lực của lực lượng lao động.

Chất lượng điều hành kinh tế ở cấp tỉnh

Dự án Tăng cường Năng lực cấp tỉnh và dự án Việt Nam Tiên phong do USAID tài trợ đang nỗ lực hỗ trợ tăng cường năng lực quản trị ở cấp tỉnh trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành kinh tế thông qua sử dụng hiệu quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã được quốc tế công nhận của Việt Nam. Chỉ số PCI khuyến khích sự cạnh tranh giữa các tỉnh để nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh kinh tế, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn vào quá trình cải cách chính sách bằng cách huy động sự tham gia của xã hội dân sự và khu vực tư nhân vào cải cách luật pháp và quy định, đồng thời tăng cường những cải tiến lâu dài và mang tính chuyển đổi trong cách thức hợp tác giữa lãnh đạo tỉnh và khu vực tư nhân nhằm đẩy mạnh tăng trưởng.

Năng lực cạnh tranh ở khu vực tư nhân

Dự án Thúc đẩy cải cách và Nâng cao năng lực kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa  (LinkSME) do USAID tài trợ có mục tiêu hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DNNVV thông qua: 1) tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam để mở rộng khả năng tiếp cận của các DNNVV Việt Nam vào chuỗi cung ứng sản xuất; và 2) thể chế hóa các cải cách quan trọng và tăng cường khung pháp lý và quy định về tăng trưởng DNNVV trên toàn quốc. Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ đang giúp Việt Nam cải thiện các thủ tục hải quan và thông quan tại cửa khẩu còn chưa hiệu quả, qua đó giúp giảm thời gian và chi phí cho hoạt động thương mại quốc tế.

Đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh

Việt Nam nhận thấy tương lai của quốc gia không chỉ nằm ở lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động. Việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và trở thành trung tâm công nghệ của khu vực vào năm 2045 sẽ cần tập trung vào việc cải thiện việc áp dụng kỹ thuật số và sự sẵn sàng của lực lượng lao động. USAID đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số, trong đó đề cao vai trò của đổi mới công nghệ và tinh thần kinh doanh, hiện đại hóa DNNVV và nâng cao năng lực của đội ngũ lao động để đáp ứng nhu cầu của tương lai.

_AUG5606_0

Đầu tư cho tăng trưởng bền vững

Với hỗ trợ của USAID, Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đầu tiên vào tháng 6/2020. Thông qua tham vấn với khu vực tư nhân, USAID đang hỗ trợ Việt Nam triển khai luật PPP thành các quy định và chính sách minh bạch và khả thi, bao gồm cả việc áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất, thúc đẩy tính bao trùm và công bằng, đồng thời mở rộng cơ hội cho sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình tăng trưởng của Việt Nam. USAID hỗ trợ nâng cao năng lực của Việt Nam để cấu trúc hóa và thực hiện các dự án tài chính hỗn hợp, tận dụng các quỹ đầu tư công hiện có để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân. Thông qua tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân của Việt Nam, Việt Nam sẽ sẵn sàng hơn trong việc đảm bảo các dịch vụ chất lượng cao cho người dân với giá thị trường hợp lý, đồng thời đẩy nhanh hành trình tiến tới tự lực của quốc gia.

Dự án hỗ trợ doanh nghiệp vượt dịch

Dự án hỗ trợ do USAID tài trợ, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tại Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí 24,9 triệu USD, thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2023. Dự án được triển khai trên 3 trụ cột: Kết nối DN nhỏ và vừa với các DN đầu chuỗi; hỗ trợ tiếp cận tài chính và hỗ trợ chuyển đổi số.

Theo ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME, nhiều DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và rất cần sự giúp đỡ và dự án đã tìm cách đáp ứng một cách thiết thực, thông qua đẩy mạnh tư vấn trực tuyến, tăng cường tập huấn, đào tạo cho DN để phục hồi nhanh, bền vững. Sự hỗ trợ DN hướng tới sự cải thiện về quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm đầu ra, nhất là xuất khẩu cho DN.

Đại diện một trong số DN từng nhận được sự hỗ trợ của dự án trên, ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuân Hòa Việt Nam cho biết, dù chịu áp lực, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 nhưng đơn vị cố gắng chủ động hợp tác, được dự án hỗ trợ thông qua việc đánh giá năng lực quản trị để nâng cao khả năng điều hành và kỹ thuật trong sản xuất từ cuối năm 2020. Các chuyên gia của dự án đã đến đánh giá quy trình quản trị của DN, tư vấn kỹ thuật, giúp tìm khách hàng mới, tư vấn hướng chuyển đổi số.

Đến nay, Xuân Hoà đã có khách hàng từ châu Âu và Mỹ đến làm việc, hiện đang duyệt mẫu và chuẩn bị đơn hàng cụ thể. Công ty quyết tâm chuyển đổi số để giúp DN cạnh tranh bền vững, cạnh tranh với DN Trung Quốc, Thái Lan, đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Công Lãm - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh, DN được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý sẽ được hỗ trợ tích cực. Công ty đã được hỗ trợ để tiếp cận lãi suất hợp lý ở trung và dài hạn. Đây là việc làm thiết thực đáp ứng nhu cầu của nhiều DN trong bối cảnh hậu COVID-19.

Chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua khó khăn hiện tại, bà Nguyễn Thanh Hoa - Tổng giám đốc CTCP EUBiz Việt Nam cho hay, đẩy mạnh công nghệ số sẽ giúp DN tăng cường hiệu quả quản trị, nhất là khi các nhà máy ở cách xa nhau. Chuyển đổi số giúp DN minh bạch về thông tin, cạnh tranh về giá khách hàng nước ngoài có thể theo dõi đơn hàng để quyết định hợp tác lâu dài.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của DN trong năm qua, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho rằng, DN Việt Nam rất bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt thích ứng trong đại dịch. Tuy vậy, với đặc điểm 98% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực hạn chế, DN hiện phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ KH&ĐT, trong khuôn khổ dự án, 1 năm qua, đã có 700 DN được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối 64 đơn hàng giá trị khoảng 1,3 triệu USD. Bên cạnh đó, hơn 500.000 DN được hỗ trợ chuyển đổi số, trong đó có hơn 100.000 DN sử dụng trong hoạt động.

Ngoài ra, nhiều DN cũng được hỗ trợ bằng các biện pháp phi tài chính như: Thực hiện minh bạch hóa, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận tài chính nhằm tăng cường sức khỏe sau đại dịch.

Trong năm 2022-2023, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ DN vượt khó như: Hoãn, giãn thời gian nộp thuế; hỗ trợ chi phí vốn vay từ ngân hàng; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là DN sáng tạo và chuỗi liên kết; tái cấu trúc thị trường lao động…

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Minh

comment Bình luận

largeer