Ủy ban châu Âu phê duyệt vaccine Valneva

Cổ phiếu của Valneva tăng hơn 20% hôm 10/11 sau khi hãng dược Pháp đạt được sự phê duyệt của Ủy ban châu Âu cho thỏa thuận cung cấp hơn 60 triệu liều vaccine COVID-19 trong 2 năm.
11/11/2021 11:23

Thông báo về thỏa thuận của cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra giữa lúc EU đẩy mạnh cuộc chiến chống làn sóng lây nhiễm đang trỗi dậy.

Thỏa thuận cũng là là động lực đáng hoang nghênh đối với Valneva, giữa lúc hãng này đàm phán về con đường nhiều chông gai cho vaccine ngừa COVID-19 của mình - có tên VLA2001 - theo Reuters.

"Vaccine Valneva giúp bổ sung một lựa chọn khác vào danh mục đầu tư rộng rãi của chúng tôi, một khi nó được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chứng minh là an toàn và hiệu quả", Ủy viên Ủy ban Y tế EU Stella Kyriakides cho biết. "Thông điệp vẫn như cũ: Tin tưởng vào khoa học và tiêm chủng, tiêm chủng, tiêm chủng", bà Kyriakides nhấn mạnh.

M1

Valneva là nhà sản xuất vaccine có nhiều kinh nghiệm của Pháp

Valneva cho biết việc phân phối vaccine bất hoạt của hãng này dự kiến bắt đầu vào tháng 4/2022, tùy thuộc vào sự cấp phép của EMA.

Công ty này hy vọng ứng viên vaccine ngừa COVID-19 của mình - vốn sử dụng công nghệ truyền thống hơn so với các vaccine mRNA - có thể là một lựa chọn yên tâm hơn cho những người châu Âu vẫn còn lưỡng lự trong việc chủng ngừa.

Trong khi Viện Pasteur và công ty dược phẩm Sanofi, hai đơn vị nghiên cứu dịch tễ học hàng đầu tại Pháp, đã thất bại trong cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19, sản phẩm của công ty Valneva là niềm hy vọng lớn nhất của ngành công nghiệp dược phẩm Pháp.

Vaccine của Valneva được cho là có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch một cách rộng rãi hơn đối với các chủng virus COVID-19 khác nhau, bao gồm các biến chủng sẽ xuất hiện trong tương lai.

Giới khoa học kỳ vọng công nghệ vaccine này sẽ có khả năng bảo vệ lâu hơn, thay vì phải điều chỉnh trước các chủng virus mới.

Vaccine VLA2001 sử dụng công nghệ vaccine bất hoạt toàn thể giống như vaccine phòng bại liệt hay một số chủng cúm. Bản thân Valneva cũng sử dụng công nghệ này trong các sản phẩm vaccine trước đó.

Virus được bất hoạt nhờ một loại hóa chất có tên beta-propiolactone (BPL). Hóa chất này được sử dụng rộng rãi trong công nghệ vaccine bất hoạt, bao gồm một số loại vaccine thử nghiệm để chống lại virus gây ra đại dịch SARS năm 2003.

Với công nghệ vaccine bất hoạt toàn thể, cấu trúc của protein trong virus sẽ được bảo toàn, giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Sau khi được bất hoạt, vaccine sẽ được tinh chế và bổ sung một loại chất bổ trợ, giúp kích thích hệ miễn dịch.

VLA2001 không phải là vaccine COVID-19 đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt. Vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) và Bharat Biotech (Ấn Độ) cũng sử dụng công nghệ này. Tuy vậy, sản phẩm của Valneva là loại vaccine duy nhất được thử nghiệm tại Anh và châu Âu.

Công nghệ virus bất hoạt giúp hệ miễn dịch tiếp xúc với toàn bộ virus SARS-CoV-2, thay vì chỉ với protein gai trong virus như nhiều loại vaccine khác. Do đó, vaccine của Valneva có tiềm năng tạo ra phản ứng miễn dịch rộng rãi hơn.

Các kháng thể và tế bào trong hệ miễn dịch có thể nhận ra và chống lại nhiều bộ phận của virus hơn các loại vaccine khác. Điều này giúp vaccine Valneva hữu dụng với tư cách vaccine tiêm bổ sung.

Vaccine của Valneva cũng có thể được bảo quản trong hệ thống làm lạnh thông thường (từ 2 đến 8 độ C), không cần sử dụng hệ thống làm lạnh sâu như vaccine Pfizer.

(Theo Bloomberg)

 

comment Bình luận

largeer