Vắc xin COVID-19 sắp nhập về Việt Nam đem lại hiệu quả và an toàn như thế nào?

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có hiệu lực đạt được 76% sau lần tiêm đầu tiên, có tiềm năng giảm sự lây truyền không triệu chứng của virus.
06/02/2021 08:43

Mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Vậy loại vaccine này thực sự an toàn và hiệu quả như thế nào?

Phân tích chính của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III từ Anh, Brazil và Nam Phi, mới được công bố trên tờ The Lancet, xác nhận COVID-19 Vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19, không có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau liều đầu tiên.

Kết quả chứng minh hiệu lực của vắc xin đạt được 76% sau một liều đầu tiên, và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc xin tăng lên 82%.

Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm sự lây truyền không triệu chứng của virus. Dữ liệu cho thấy kết quả PCR dương tính giảm 67% sau một liều tiêm, và 50% sau chế độ hai liều.

photo-1612502664455-16125026651952031900068

Phân tích trên dựa trên các thử nghiệm pha III ở Anh, Brazil và Nam Phi do Đại học Oxford và Astrazeneca triển khai.

Theo ông Mene Pangalos (Phó Chủ tịch điều hành Nghiên cứu & Phát triển Dược phẩm Sinh học tại AstraZeneca): "Phân tích chính này tái khẳng định rằng vắc xin của chúng tôi giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và bệnh nhân không phải nhập viện. Ngoài ra, kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều không chỉ làm tăng hiệu lực của vắc xin mà còn cho phép nhiều người được tiêm phòng sớm hơn. Với những phát hiện mới về việc giảm lây truyền, chúng tôi tin rằng vắc xin này sẽ có tác động thật sự đến đại dịch".

Giáo sư Andrew Pollard (quản lý nghiên cứu của thử nghiệm vắc xin Oxford, và là đồng tác giả của bài báo), cho biết: "Những dữ liệu mới này cung cấp một xác minh quan trọng cho loạt dữ liệu ban đầu, đã giúp các nhà quản lý như Cơ quan Quản lý Thuốc và các Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe ở Anh và các nơi khác trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin này.

Dữ liệu này cũng hỗ trợ Ủy ban Liên hợp về Tiêm chủng ra chính sách khuyến cáo về thời gian giữa hai liều là 12 tuần trong khi họ đang tìm cách tiếp cận tối ưu để triển khai việc tiêm chủng, đồng thời cũng đảm bảo rằng mọi người đạt được hiệu lực bảo vệ 22 ngày sau khi được tiêm một liều vắc xin".

AstraZeneca cũng đang xin được cấp phép vào danh sách "Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới WHO" để các nước có thu nhập thấp sớm có được vắc xin.

COVID-19 Vaccine AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độ C) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.

Vắc xin chống COVID-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vắc xin sử dụng vectơ vi-rút mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng vi-rút gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt vi-rút SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công vi-rút SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm vi-rút sau đó.

Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca hiện đã được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu EU, một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Maroc và Vương quốc Anh.

Theo Pháp luật và bạn đọc

comment Bình luận

largeer