Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay
Đại đoàn kết không chỉ là tư tưởng lớn, nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nó đã trở thành đường lối chiến lược, nguồn sức mạnh và là động lực to lớn trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển đất nước.
Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng, quyết định của đại đoàn kết đối với thắng lợi của cách mạng. Di sản mà Người để lại có tới gần 50% số tác phẩm, bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đoàn kết, cụm từ “đoàn kết” và “đại đoàn kết” xuất hiện khoảng 2000 lần, trong đó riêng Bản Di Chúc của Bác (năm 1965 và 1969) cụm từ "đoàn kết" xuất hiện 16 lần.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết
Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, Người luôn kêu gọi mọi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên phải luôn trân trọng truyền thống ấy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc như giữ gìn "con ngươi trong mắt mình": "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"(1)
Theo Người, trong thời đại mới, để đánh bại các thế lực đế quốc thực dân giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, chỉ có tinh thần yêu nước thôi thì chưa đủ; cách mạng muốn giành thắng lợi, thì cần phải tập hợp được tất cả mọi lực lượng có thể với tinh thần “muôn người như một”, để xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Người khẳng định: "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác"(2).
Tập đoàn Vingroup tặng 4 triệu liều vac xin phòng chống dịch COVID - 19
Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược lâu dài của cách mạng, là một tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng. Do vậy, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp đoàn kết phù hợp, luôn quán triệt quan điểm: Đại đoàn kết là vấn đề sống còn của cách mạng. Đoàn kết là nguồn gốc của thành công, là sức mạnh then chốt của thành công. Do vậy, cần phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế với tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(3).
Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của mình, Hồ Chí Minh luôn có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đất nước độc lập, dân tự do ấm no hạnh phúc. Yêu nước ở Người là phải gắn với yêu thương dân, lo cho dân…Đây là một mục tiêu lớn không chỉ của dân tộc ta mà của tất cả các dân tộc trên thế giới. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, thì trước hết phải thực hiện mục tiêu đoàn kết dân tộc.
Phát gạo cho người dân trong đại dịch COVID-19
Như vây, đại đoàn kết dân tộc không đơn thuần là phương pháp tập hợp lực lượng cách mạng, là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Bởi vì cách mạng là sự nghiệp quần chúng, vì quần chúng. Vì vậy, vấn đề đại đoàn kết dân tộc phải xuất phát từ đòi hỏi khách quan của cách mạng, do quần chúng tiến hành. Đại đoàn kết là một chính sách, chứ không thể là một thủ đoạn chính trị.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm sao cho đồng bào hiểu được mấy điều: Một là đoàn kết, Hai là làm cách mạng đòi độc lập dân tộc. Sau kháng chiến nhiệm vụ của tuyên huấn là để dân hiểu: Một là đoàn kết, Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà.”
Trong suốt cuộc đời hoạt động, lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đề cao vai trò của nhân dân và sức mạnh của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(4). Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối, nhưng đã biết hối cải, quay về với chính nghĩa của dân tộc. Đoàn kết trong tư tưởng của Người là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực lượng và bộ phận có thể tranh thủ sức mạnh của họ: "Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ. Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ"(5).
Vận dụng tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong phòng, chống đại dịch COVID-19
Từ cuối năm 2019 đến nay, cả thế giới đang gồng mình đối phó với dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, làm tê liệt các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội toàn cầu, đe dọa tới tính mạng của hàng tỷ người dân trên thế giới, đó là đại dịch COVID-19.
Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 22/01/2020 ở Việt Nam, Đảng, Chính phủ đã xác định đây là dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ lây lan cao, ảnh hưởng đến nhiều người. Do vậy, chúng ta đã có những biện pháp chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sau 1 tuần kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ngày 29/01/2020, Ban Bí thư đã ban hành công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh, thành phố, các cơ quan Trung ương yêu cầu phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ "trọng tâm, cấp bách". Từ đó, kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để tham gia chống dịch với quyết tâm cao, nỗ lực lớn.
Ngành Y tế tỉnh Hải Dương xuất quân hỗ trợ hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch
Ngày 17/3/2020, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, để có thêm nguồn lực trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19". Với mục đích là phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp đó, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh".
Cây gạo ATM dùng để giúp đỡ người dân cơ nhỡ trong đại dịch COVID-19
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như một lời hiệu triệu khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết của cả dân tộc cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Kế thừa, phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng từng bước vượt qua khó khăn, cùng chung tay phòng, chống dịch. Một phong trào tích cực ủng hộ phòng, chống dịch bệnh diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở.
Những chiến sỹ áo trắng trong ngành Y tế đã không kể ngày đêm thực hiện công tác sàng lọc, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cứu chữa bệnh nhân. Với tinh thần “tất cả vì sức khỏe, tính mạng người dân và cộng đồng” các y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hy sinh, không quản khó khăn, vất vả ngày đêm làm việc trong các khu cách ly, bệnh viện, tranh thủ từng phút, từng giây, để cứu chữa cho những bệnh nhân COVID-19.
Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, một phong trào tình nguyện lớn chưa từng có trong ngành Y tế Việt Nam được xuất hiện. Tham gia phong trào là những đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, sinh viên trong cả nước. Họ từ những vùng không có dịch, hay có dịch ở mức độ nhỏ hơn, xung phong đến những tỉnh, thành phố “tâm dịch”, để hỗ trợ, giúp đỡ ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Rất đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo, mặc dù chưa tốt nghiệp, nhưng đã tích cực tham gia chống dịch tại địa phương, cũng như xung phong đến những vùng dịch lớn, để tăng cường hỗ trợ cho các y, bác sĩ nơi đây.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, các doanh trại quân đội là nơi “bất khả xâm phạm”, thì lúc này đã trở thành nơi ở của người dân. Nhiều doanh trại quân đội được trưng dụng làm cơ sở cách ly cho nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng di chuyển đi nơi khác để nhường lại nơi ăn, chốn ở cho nhân dân có điều kiện tốt để cách ly. Trong các doanh trại cách ly của quân đội, người cán bộ, chiến sĩ vừa là người hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định của Nhà nước về cách ly tập trung, song họ cũng giống như những người thân trong gia đình, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người cách ly mỗi khi họ cần. Hình ảnh “Anh bộ đội cụ Hồ” gần gũi tình cảm biết bao, tình quân dân một lần nữa được tái hiện trong thời bình.
Tại các địa phương, lực lượng cán bộ các cấp, các ngành đã đồng sức, đồng lòng ngày đêm rà soát, khoanh vùng dập dịch tại các khu dân cư. Các Tổ COVID cộng đồng được thành lập ở khắp nơi trong cả nước, với sự tham gia của những cán bộ cơ sở như công an, dân phòng, mặt trận, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, y, bác sỹ hưu trí...
Người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 được hỗ trợ lương thực, tại Hải Phòng
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân cả nước không chỉ đóng góp công sức mà còn tích cực đóng góp tiền của, vật chất cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Trên khắp đất nước đã hình thành các “cây ATM đặc biệt” như: ATM gạo, ATM mì, ATM khẩu trang, các Gian hàng 0 đồng, nồi cháo, suất ăn miễn phí... Nhiều người dân, trong đó có cả những người nổi tiếng như các ca sĩ, người mẫu vốn chỉ quen ánh đèn sân khấu, thì nay họ cũng đã chung tay trực tiếp phát đồ ăn, nhu yếu phẩm miễn phí cho nhân dân vùng dịch. Nhiều bếp ăn từ thiện được ra đời ở khắp nơi, lan tỏa tinh thần yêu thương, sẻ chia, tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam.
Tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 được thể hiện rõ nét nhất đó là phong trào ủng hộ Quỹ Vaccine.
Quỹ Vaccine được thành lập ngày 26/5/2021 nhằm tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân dân.
Ngay sau khi thành lập, Quỹ Vaccine đã nhanh chóng nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của đông đảo nhân dân trong cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn không chỉ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn... mà còn của các tầng lớp nhân dân trong nước và đông đảo kiều bào ở nước ngoài. Đến nay, Quỹ Vaccine đã tiếp nhận được hơn 8.500 tỉ đồng. Số tiền mà các tổ chức, cá nhân đóng góp không chỉ có giá trị vật chất mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm của nhân dân với Đảng và Chính phủ. Điều đó giúp cho Việt Nam tiếp tục được thế giới đánh giá cao trong việc phát huy được sức mạnh của cả dân tộc trong cuôc chiến chống đại dịch COVID-19. Hiếm có một đất nước nào mà có sự tham gia đông đảo, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 như Việt Nam.
Cho đến nay, trên thế giới đã có hơn 200 triệu người nhiễm dịch COVID-19, hơn 4 triệu người tử vong (trong đó tại Việt Nam là hơn 200.000 ca nhiễm và hơn 4000 người chết). Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, còn rất nhiều khó khăn với sự xuất hiện của các biến chủng mới, có tốc độ lây lan nhanh, sự khan hiếm về vaccine… Đó là nguyên nhân gây nên những khó khăn, trở ngại cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, phát huy truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Việt Nam nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn và chiến thắng đại dịch COVID-19.
Thạc sỹ Vũ Văn Chương
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật,H, 2011,t.5, tr.611.
(2) Hồ Chí Minh:Sđđ,t.9,tr.244.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd,t.10, tr.120.
(4) Hồ Chí Minh: Sđd,t.10, tr.453.
(5) Hồ Chí Minh: Sđd,t.9, tr.244.
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm