Vi khuẩn đường ruột có thể giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu của Ðại học Kỹ thuật Munich (Ðức) trên hơn 4.000 người, trong đó cho thấy vi khuẩn đường ruột dao động suốt ngày, nhưng ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, tần suất dao động thấp hơn. Do đó, các nhà khoa học đưa ra kết luận, vi khuẩn đường ruột có thể giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường.
02/12/2022 17:32

Công bố trên tạp chí Cell Host & Microbe, nhóm của Tiến sĩ Sandra Reitmeier cho biết đã phân tích quần thể vi khuẩn của gần 2.000 người trong 24 giờ và ghi nhận sự dao động thường xuyên của hệ vi sinh vật đường ruột. Các nhà khoa học sau đó tập trung vào nhóm đối tượng mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa gồm béo phì, tiền tiểu đường, tiểu đường tuýp 2 và phát hiện vi khuẩn đường ruột ở người bị béo phì, tiểu đường tuýp 2 bị mất nhịp sinh học vốn có.

Hệ vi sinh vật đường ruột ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 ít dao động hơn người bình thường. Ảnh: Depositphotos

Hệ vi sinh vật đường ruột ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 ít dao động hơn người bình thường. Ảnh: Depositphotos

Tiếp tục phân tích những thay đổi cụ thể của quần thể vi khuẩn trên 2.039 người, các nhà khoa học cho biết số lượng và chức năng hệ vi sinh đường ruột không thay đổi cả ngày có thể xem như chỉ dấu sinh học giúp chẩn đoán tiểu đường tuýp 2. Xác định 13 loại vi khuẩn không biến động, nhóm nghiên cứu đã phát triển mô hình toán học và thử nghiệm trên nhóm mới gồm 699 tình nguyện viên. Kết quả, họ có thể dễ dàng chẩn đoán người bị tiểu đường tuýp 2 lẫn đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Mô hình này đạt hiệu quả nhất khi kết hợp với dữ liệu về chỉ số khối cơ thể (BMI). 

Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu sâu về hệ vi sinh vật đường ruột có thể giúp hiểu rõ rủi ro phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, cải thiện công tác chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị bệnh.

Theo Medical News Today

comment Bình luận

largeer