Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh tự miễn hơn nam giới?

Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh tự miễn là bệnh nguy hiểm vì khó chữa khỏi và bệnh nhân cần phải theo dõi suốt đời để giảm thiểu tác động của các triệu chứng tới sức khỏe tổng thể. Đáng nói là so với nam giới, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh tự miễn cao hơn.
25/12/2020 09:19

Vì sao gọi là bệnh tự miễn?

Cơ thể chúng ta được che chở bởi một hệ miễn dịch mạnh mẽ chống lại các mầm bệnh, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác từ bên ngoài. Nhưng ở một số người, hệ miễn dịch hoạt động quá mức hoặc do nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh với các tế bào nhiễm dẫn đến tự tấn công chính cơ thể mình. Cơ chế này là biểu hiện cốt lõi của các rối loạn tự miễn dịch, còn gọi là bệnh tự miễn.

Bệnh tự miễn được ví như một bệnh dịch vô hình. Nó có thể xâm lấn bất kỳ bộ phận nào, phá hoại một số chức năng của cơ thể và tạo ra các vấn đề đe dọa sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân. Các bệnh tự miễn thường gặp gồm viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống (gọi tắt là lupus), đa xơ cứng (MS) và bệnh Graves.

Mỗi bệnh tự miễn sẽ có một tác động riêng biệt đến cơ thể, nhưng chúng cũng có những dấu hiệu tương tự nhau, mà thường gặp nhất là: khó tập trung, đau bụng, các vấn đề tiêu hóa, chóng mặt, mệt mỏi, sốt nhẹ, tê và ngứa ran tay chân, bệnh về da và nổi hạch. Những dấu hiệu ban đầu không rõ ràng này gây khó khăn cho việc nhận diện và chẩn đoán sớm các bệnh tự miễn. Vì thế, các bác sĩ thường phải tiến hành nhiều đánh giá lâm sàng, phân tích dữ liệu tâm thần, hình ảnh, xét nghiệm máu và các xét nghiệm sàng lọc khác mới có thể chẩn đoán chính xác.

11-3

Vì sao phụ nữ dễ bị bệnh tự miễn hơn nam giới?

Ðể trả lời câu hỏi trên, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và đưa ra những suy luận như sau:

+ Sự khác biệt về giới tính trong chức năng miễn dịch. So với nam giới, nữ giới có hệ miễn dịch hoạt động mạnh và nhạy cảm hơn. Ngoài ra, cơ thể của họ thường có các phản ứng viêm khác thường khi hệ miễn dịch được kích hoạt. Trong điều kiện bình thường, phản ứng viêm là hoạt động diễn ra càng sớm càng tốt để tấn công tác nhân gây bệnh và giai đoạn viêm sẽ dừng lại. Nhưng ở người mắc các rối loạn tự miễn dịch, phản ứng viêm có thể trở nên dai dẳng và làm tổn thương nghiêm trọng các tế bào, nội tạng và xương khớp.

+ Biến động hoóc-môn và mang thai. Ở phụ nữ, các hoóc-môn sinh dục có khả năng tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm trùng, nên cũng góp phần dẫn tới bệnh tự miễn. Từ sơ sinh đến lúc mãn kinh, họ cũng phải trải qua nhiều giai đoạn thay đổi hoóc-môn quan trọng. Tất cả hoạt động đó khiến hệ miễn dịch tăng số lượng phản ứng tới mức độ có thể gây ra bệnh tự miễn.

Ngoài ra, quá trình mang thai cũng làm cơ thể phụ nữ có nhiều biến động về nồng độ hoóc-môn estriol, progesterone và prolactin. Do đó, mang thai có thể làm bùng phát hoặc làm nặng thêm các triệu chứng ở những người bị bệnh tự miễn.

+ Sự nhạy cảm về gien. Theo các nhà nghiên cứu, quá trình tự miễn của cơ thể có liên quan đến đột biến trên nhiễm sắc thể X. Trong khi đó, phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể X nên tỷ lệ mắc bệnh tự miễn của họ có thể cao gấp 2-3 lần so với nam giới.

+ Yếu tố môi trường. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự nhạy cảm với các chất ô nhiễm từ bên ngoài có thể gây ra các phản ứng tự miễn. Một số nghiên cứu từng chỉ ra sự khác biệt về nguy cơ mắc bệnh giữa hai giới, chẳng hạn như mối tương quan giữa sử dụng mỹ phẩm và nguy cơ cao mắc bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ.

+ Căng thẳng tinh thần (stress). Sự thật là stress làm thay đổi khả năng kiểm soát viêm của hoóc-môn cortisol, làm khởi phát quá trình tự miễn dịch trong cơ thể. Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, tâm trạng căng thẳng vì cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn, đặc biệt là ở phụ nữ. Còn theo một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Thần kinh, mặc dù nam và nữ có mức độ stress tương đương trong điều kiện khó khăn, nhưng nam giới  thường có phản ứng mạnh mẽ hơn nên ít bị tổn thương vì stress hơn phụ nữ.

Theo Báo Cần Thơ

comment Bình luận

largeer