Vì sao uống cà phê đôi khi khiến bạn mệt mỏi?

Caffeine, hoạt chất chính trong cà phê, vốn nổi tiếng là một chất tăng cường năng lượng tức thời và sự tỉnh táo. Tuy nhiên, uống cà phê đôi khi lại khiến bạn thấy mệt mỏi và buồn ngủ hơn. Vậy nguyên nhân nào gây ra điều này?
20/07/2022 12:48

Theo các chuyên gia sức khỏe Mỹ, caffeine cũng là một loại thuốc, nghĩa là nó ảnh hưởng khác nhau đến từng người, tùy thuộc vào thói quen tiêu thụ và đặc điểm gien của chúng ta. Giáo sư Mark Stein tại Đại học Washington cho biết: “Sự nghịch lý của caffeine là ở chỗ nó giúp tăng cường sự chú ý và tỉnh táo trong thời gian ngắn hạn. Nhưng tác động tích lũy của caffeine thì ngược lại (nghĩa là khiến chúng ta giảm sự chú ý và kém tỉnh táo hơn)”.

Một phần trong tác động nghịch lý của caffeine là thứ mà các nhà nghiên cứu gọi là “áp lực giấc ngủ”, cơ chế khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ hơn khi một ngày dần trôi qua. Từ thời điểm thức dậy, cơ thể đã “cài đặt” một đồng hồ sinh học để chúng ta quay lại đi ngủ vào cuối ngày. Tuy các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về cơ chế hình thành “áp lực giấc ngủ” trong cơ thể, nhưng trong ngày, các tế bào và mô của chúng ta sử dụng và đốt cháy năng lượng dưới dạng phân tử adenosine triphosphate (ATP). Khi ATP được sử dụng, các tế bào sẽ tạo ra phế phẩm hóa học gọi là adenosine. Chất này sau đó tiếp tục liên kết với các thụ thể trong não, khiến chúng ta buồn ngủ hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về mặt hóa học, caffeine cũng gần giống như adenosine ở mức độ phân tử, nên nó có thể chiếm giữ các vị trí liên kết và ngăn không cho adenosine liên kết với các thụ thể trong não. Nhờ đó, caffeine có tác dụng làm giảm “áp lực giấc ngủ” tạm thời, mang lại cảm giác tỉnh táo hơn cho người dùng. Nhưng cũng lúc này, adenosine tiếp tục tích tụ trong cơ thể. Hệ quả là một khi caffeine cạn, mức độ áp lực giấc ngủ sẽ rất cao. Và cách duy nhất để giảm bớt và thiết lập lại mức độ áp lực giấc ngủ là phải đi ngủ.

Tuy nhiên, vấn đề là càng tiêu thụ nhiều caffeine, cơ thể chúng ta càng tăng khả năng chịu đựng với chất này. Gan thích nghi bằng cách tạo ra các prôtêin phân hủy caffeine nhanh hơn và các thụ thể adenosine trong não cũng nhân lên, do đó chúng có thể tiếp tục nhạy cảm với nồng độ adenosine để điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Cuối cùng, việc liên tục tiêu thụ caffeine hoặc tăng thêm hàm lượng caffeine sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, nên cũng khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi hơn. “Nếu bạn ngủ ít hơn, căng thẳng tinh thần và dựa vào caffeine để cải thiện tình trạng này, thì đó chỉ là giải pháp ngắn hạn, có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn về lâu dài”, Giáo sư Stein nhấn mạnh.

Mặt khác, chuyên gia giấc ngủ Christina Pierpaoli tại Đại học Alabama cho biết caffeine còn có thể làm tăng vọt lượng đường huyết hoặc dẫn tới mất nước - hai tác động đều gây mệt mỏi hơn. Do đó, nếu bạn cảm thấy uể oải ngay cả sau khi vừa uống xong một ly cà phê, thì giải pháp có thể là uống ít cà phê lại. Không uống cà phê mỗi ngày, mà hãy ngưng vài ngày để cơ thể có thể đào thải hết caffeine và uống lại dần sau đó.

Nếu cảm thấy caffeine không còn giúp mang lại năng lượng nữa, thì tốt nhất là bạn nên thử chợp mắt, tập thể dục hoặc ngồi ngoài trời và tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên để có thể tăng cường mức năng lượng cơ thể một cách tự nhiên. Theo chuyên gia Stein, việc ngủ đủ giấc và vận động thể chất là những biện pháp can thiệp đầu tiên để xử lý các vấn đề về sự chú ý và buồn ngủ. Tuy caffeine là một chất hỗ trợ hữu ích, nhưng không nên phụ thuộc vào nó.

Theo New York Times

comment Bình luận

largeer