Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi sau hơn 3 năm nghiên cứu

Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi (ASF) sau hơn 3 năm nghiên cứu, thực hiện. Chiều 3/6/2022, vaccine phòng dịch ASF có tên NAVET-ASFVAC được công bố lưu hành. Dự kiến đến cuối năm nay, Việt Nam cho ra mắt thêm 2 loại vaccine ASF khác.
04/06/2022 08:47

Phát biểu tại lễ công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn Châu Phi (ASF), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến chia sẻ: Hơn 100 năm kể từ khi viurs gây dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus ASF và phát triển vaccine của các nhà khoa học được công bố, tuy nhiên, trên thế giới chưa có vaccine thương mại phòng bệnh này.

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, khảo nghiệm, Việt Nam đã đi đầu thế giới sản xuất thành công vaccine thương mại phòng bệnh ASF, do Công ty Navetco - một trong 3 doanh nghiệp (DN) được Bộ NNPTNT chọn giao nghiên cứu, thực hiện. Vaccine đầu tiên phòng chống dịch ASF do Việt Nam sản xuất có tên gọi là NAVET-ASFVAC.

Vaccine thương mại phòng dịch ASF do Việt Nam sản xuất. Ảnh: LĐO

Vaccine thương mại phòng dịch ASF do Việt Nam sản xuất. Ảnh: LĐO

Ông Nguyễn Văn Long - quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho hay, tháng 9/2020, ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆I177L, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và tiêm thử ngoài sản xuất. Kết quả cho thấy vaccine bảo hộ 100% số lợn được công cường độc trong phòng thí nghiệm; trong điều kiện sản xuất, vaccine bảo hộ được 80% số lợn; độ dài miễn dịch đạt 6 tháng đối với lợn thịt từ 8-10 tuần tuổi.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trên cơ sở đánh giá, thẩm định Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận lưu hành đối với vaccine của Công ty Navetco theo quy định. Tổ chức giám sát chất lượng của 10 lô vaccine được sản xuất liên tiếp. Việc sử dụng vaccine được tổ chức giám sát theo 2 giai đoạn.

"Giai đoạn 1: Sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vaccine và đáp ứng miễn dịch bảo hộ. Ở giai đoạn 2: Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vaccine, Bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng vaccine ở phạm vi toàn quốc" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Sẽ công bố thêm 2 loại vaccine vào cuối năm nay

Theo Bộ NNPTNT, hiện tại, 2 DN được chỉ định nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh ASF là AVAC và Dabaco đang gấp rút các công đoạn để sớm công bố lưu hành. Đối với vaccine của Công ty AVAC, tháng 1/2021, sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆MGF, Công ty AVAC đã tổ chức nghiên cứu, sản xuất và đánh giá chất lượng của 3 lô vaccine. Kết quả: Vaccine ASF chủng ASF-G-∆MGF đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực (bảo hộ 80-100% số lợn thí nghiệm; độ dài miễn dịch đạt 4 tháng đối với lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên).

Từ tháng 10/2021, 3 lô vaccine ASF của AVAC được kiểm nghiệm theo quy định với kết quả đạt các chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực. Từ tháng 2/2022 triển khai khảo nghiệm tại 2 địa điểm (trại lợn Thành Hưng, tại tỉnh Vĩnh Phúc; và trại lợn Đức Vượng, tại tỉnh Bắc Giang). Kết quả khảo nghiệm đạt yêu cầu vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ 100% số lợn được tiêm vaccine.

Tháng 3/2022, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo đánh giá sử dụng vaccine ở diện hẹp tại 4 trại có quy mô từ 800-16.000 lợn thịt tại TP.Hà Nội (2 trại) và Bắc Giang (2 trại). Kết quả trên 90% lợn tiêm vaccine có kháng thể, tỉ lệ bảo hộ đạt 95%.

Đối với vaccine của Dabaco, từ tháng 9/2021, Cty Dabaco đã tiếp nhận giống virus ASF nhược độc chủng ∆I177L/∆LVR và tế bào dòng PIPEC từ Bộ NN Hoa Kỳ. Đến nay, công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine DACOVAC-ASF2 nhược độc, đông khô và đã thử nghiệm vaccine trên đàn lợn của Công ty, kết quả đạt tiêu chuẩn an toàn và hiệu lực (bảo hộ trên 80% đàn lợn thí nghiệm). Từ tháng 3/2022 đến nay, vaccine thương mại đông khô DACOVAC-ASF2 đang được kiểm nghiệm.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer