WHO ban hành phiên bản cập nhật về Chiến lược vaccine phòng COVID-19

Trước tình hình đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhất là các biến thể mới liên tục xuất hiện với khả năng có thể né tránh miễn dịch, vào tháng 7/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành phiên bản cập nhật về Chiến lược vaccine phòng COVID-19.
16/08/2022 15:41

Phiên bản mới về Chiến lược vaccine phòng COVID-19 được thiết kế trong bối cảnh có những thay đổi về dịch tễ học, cùng với những tiến bộ trong phát triển vaccine phòng COVID-19. Theo đó, WHO nhận định thế giới đã đạt được ¾ mục tiêu chiến lược đã đặt ra trong năm 2021, cụ thể là: (1) Giảm tử vong, bệnh nặng và gánh nặng bệnh tật; (2) Giảm thiểu tác động của đại dịch lên hệ thống y tế; và (3) Tái thiết lập hoạt động kinh tế xã hội bình thường trở lại. Những mục tiêu này phần lớn là do tác động tích cực của tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với các biện pháp y tế công cộng và xã hội, và ở một mức độ nào đó là tác động của miễn dịch tự nhiên (do nhiễm vi rút).

hinh-bscl_168202211

Chiến lược vaccin phòng COVID-19 toàn cầu và các mục tiêu y tế và kinh tế xã hội

(WHO – 7/2022)                      

Mục tiêu chiến lược thứ tư được WHO đánh giá chưa đạt đó là vaccine chưa thật sự làm giảm lây lan dịch. Ngoài việc chưa đạt độ bao phủ trong cộng đồng, tác dụng của vaccine và đặc tính biến thể của vi rút được cho là những nguyên nhân chính. Các vaccine phòng COVID-19 hiện tại cho thấy khả năng bảo vệ cơ thể còn khiêm tốn trong một thời gian giới hạn để chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Hơn nữa, các biến thể phụ của vi rút này có khả năng lây lan dịch cao hơn (một phần là do sự né tránh miễn dịch), do đó cần tiếp tục củng cố và duy trì các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng.

Theo WHO, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trên phạm vi toàn cầu vẫn còn nhiều người dân thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất nhưng vẫn chưa được tiêm phòng vaccine, dẫn đến tử vong đáng tiếc. Ước tính, vaccine có thể ngăn chặn được khoảng 600.000 trường hợp tử vong trên toàn cầu nếu tất cả các quốc gia đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở mức 40% vào cuối năm 2021. Do đó, điều quan trọng là phải duy trì động lực tiêm vaccine trong cộng đồng như ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội, ở giai đoạn hiện nay, nhận thức của người dân về nguy cơ dịch bệnh đã giảm thấp, theo đó, động lực tiêm vaccine COVID-19 của người dân cũng giảm thấp.

Với Chiến lược mới về vaccine phòng COVID-19, WHO đưa ra 4 mục tiêu cụ thể: (1) Mỗi quốc gia, phấn đấu 100% nhân viên y tế và 100% người dân trên 60 tuổi và người thuộc nhóm nguy cơ được tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm liều nhắc lại; (2) Mỗi quốc gia phấn đấu tạo miễn dịch cộng đồng với 70% dân số có miễn dịch; (3) Tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm vaccine mới hoặc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II/III với các thuộc tính mới như tăng thời gian tác dụng, tăng phạm vi bảo vệ, có tác dụng giảm lây lan; (4) vaccine có chất lượng được cung cấp đến tất cả các quốc gia.

Ngoài ra, Chiến lược còn nêu rõ các nguyên tắc về đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine giữa các quốc gia, đảm bảo vaccine có chất lượng, an toàn và hiệu quả, và nhất là không làm suy yếu các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khác, ngược lại, phải tận dụng để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm.

Sở Y tế TP. HCM

comment Bình luận

largeer