WHO: Họp khẩn vì đợt bùng phát căn bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp

Tờ Telegraph của Anh đưa tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về đợt bùng phát virus đậu mùa khỉ đang lan rộng ở châu Âu.
21/05/2022 10:42
422

Logo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Bệnh đậu mùa khỉ thường chủ yếu xuất hiện ở các khu vực rừng núi phía Tây và Trung Phi, nhưng đã lây lan nhanh chóng ra một số nước châu Âu, cũng như Mỹ và Australia kể từ đầu tháng 5. Do đó, đợt bùng virus hiếm gặp này hiện nay đang gây ra nhiều mối lo ngại.

Theo báo cáo, nội dung trọng tâm trong chương trình họp của WHO là các cơ chế đằng sau sự lây lan của virus và chiến lược tiêm chủng có thể triển khai để phòng bệnh đậu mùa khỉ. Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cũng tham dự cuộc họp. Tờ báo cũng đưa tin rằng WHO đang xem xét liệu vaccine đậu mùa có thể được sử dụng hiệu quả để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ hay không.

Trong khi đó, chính phủ Anh đã đặt hàng dự trữ bổ sung hàng nghìn lô vaccine đậu mùa. Nước này cũng đã triển khai tiêm loại vaccine này cho những người có thể đã tiếp xúc với virus đậu mùa khỉ. Ngoài 5.000 liều mà các cơ quan y tế Anh đang sở hữu, nước này đã đặt hàng thêm 20.000 liều nữa.

Hôm 21/5, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết nước này đã ghi nhận thêm 11 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này tăng gấp đôi. Theo tờ Telegraph, ít nhất 6 trong số các trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở Anh là người đồng tính nam hoặc song tính. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) khẳng định rằng hầu hết các ca nhiễm không liên quan đến nhau. Giới chức tiết lộ người đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với căn bệnh này ở Anh gần đây đã đến Nigeria.

421

Ảnh minh họa

Hôm thứ 20/5, Đức đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, theo sau là Pháp. Hiện nay virus đã lây lan ra 11 quốc gia ngoài khu vực châu Phi - bao gồm Australia, Bỉ, Canada, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Mỹ.

Nhà chức trách Pháp tiết lộ rằng ca mắc đầu tiên tại nước này là một người đàn ông 29 tuổi, không có lịch sử đi lại gần đây đến đến các quốc gia lưu hành virus. Bồ Đào Nha cũng báo cáo phat hiện 5 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ ở Lisbon, cùng 15 trường hợp nghi nhiễm khác đang được điều tra. Ở nước láng giềng Tây Ban Nha, 23 người đang được theo dõi vì nghi ngờ nhiễm virus đậu mùa khỉ. Thụy Điển và Italy cũng báo cáo 1 trường hợp.

Bên ngoài châu Âu, hôm 20/5, Australia cũng đã xuất hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Melbourne. Người bệnh là nam giới gần đây đã đến Anh. Một trường hợp nghi nhiễm khác ở Sydney vẫn đang được điều tra.

Vào ngày 19/5, Cơ quan y tế Canada đã lần đầu xác nhận 2 ca mắc đậu mùa khỉ. Nước này cũng đang theo dõi 17 trường hợp khác nghi nhiễm bệnh ở tỉnh Quebec. Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) cho biết nước này chưa từng phải đối mặt với căn bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra.

Trước đó một ngày, bang Massachusetts của Mỹ cũng phát hiện một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Sở y tế địa phương cho biết người đàn ông này gần đây đã trở về từ Canada. Nhà chức trách trấn an công chúng rằng họ đang thực hiện các bước để truy vết tiếp xúc của người nhiễm bệnh. Theo một tuyên bố chính thức, trường hợp này “không gây rủi ro lây lan cho cộng đồng, và người bệnh đã nhập viện và trong tình trạng tốt”.

420

Hình ảnh kính hiển vi cho thấy các virus gây bệnh đậu mùa khỉ được thu thập từ mẫu da người

Bệnh đậu mùa khỉ thường lây lan từ động vật hoang dã ở một số khu vực nhiệt đới của châu Phi. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Giới khoa học chưa biết rõ loài nào là ổ chứa tự nhiên của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Trong khi đó, WHO phỏng đoán rằng đó có thể là loài gặm nhấm.

“Tiếp xúc với động vật sống và đã chết thông qua săn bắt, tiêu thụ thịt thú rừng hoặc thịt động vật hoang dã là những yếu tố nguy cơ”, WHO cảnh báo.

Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 6 đến 21 ngày. Biểu hiện ban đầu của bệnh là sốt, nhức đầu, đau nhức người, suy kiệt. Bệnh nhân bị phát ban, thường xuất hiện đầu tiên trên mặt và sau đó lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể và tạo thành vảy.

Các đợt bùng phát căn bệnh này đã xảy ra thường xuyên kể từ những năm 1970 ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria. Tuy nhiên, bệnh thường chỉ giới hạn ở những khu vực đó.

Trong một lưu ý tích cực hơn, giới khoa học cho rằng virus đậu mùa khỉ không có khả năng lây lan dễ dàng giữa người với người, với nguy cơ đối lây nhiễm cộng đồng cũng khá thấp.

Theo Tin Tức

comment Bình luận

largeer