WHO khuyến cáo không sử dụng huyết tương của người đã mắc để điều trị cho người mới mắc COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ hôm 6/12 về chống lại việc dùng huyết tương giai đoạn hồi phục hay huyết tương dưỡng (Convalescent plasma) để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
07/12/2021 09:58

 

k4

Huyết tương giai đoạn hồi phục từng được dùng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Trong liệu pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương, huyết tương được dùng lấy từ những người từng mắc COVID-19 nay đã khỏi bệnh và đưa vào cơ thể một bệnh nhân đang nhiễm virus SARS-CoV-2 với hi vọng kháng thể của người tặng huyết tương sẽ giúp chống lại virus. 

Tuy nhiên, nhóm phát triển hướng dẫn của WHO nhận thấy, “không có lợi ích rõ ràng nào với các kết quả quan trọng như tử vong và thở máy ở những bệnh nhân không nặng, bệnh nặng hoặc nguy kịch đồng thời có những yêu cầu về nguồn lực đáng kể về chi phí và thời gian thực hiện". 

Nhóm của WHO cũng lưu ý, việc điều trị COVID-19 bằng huyết tương dưỡng cũng phải đối mặt với những thách thức thực tế như tìm kiếm và xét nghiệm người hiến tặng cũng như thu thập, lưu trữ và vận chuyển huyết tương.

Khuyến cáo mới nhất của WHO về không sử dụng huyết tương của người đã mắc để điều trị cho người mới mắc COVID-19 dựa trên 16 thử nghiệm với hơn 16.000 bệnh nhân mắc COVID-19 không nặng, nặng và nguy kịch. Khuyến cáo mới được công bố trên tạp chí British Medical Journal (BMJ). 

Hồi tháng 2, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã giảm bớt các trường hợp được áp dụng phương pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương. Theo đó, phương pháp này chỉ áp dụng với những bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn đầu và những người nhập viện có rối loạn hệ thống miễn dịch khiến cơ thể không thể tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ.

“Huyết tương có lượng kháng thể thấp đã không được chứng minh là hữu ích với COVID-19" - FDA nêu trong văn bản sửa đổi quy định hồi tháng 2. 

Trước đó, phương pháp điều trị này được FDA cấp phép cho sử dụng khẩn cấp với tất cả bệnh nhân nhập viện từ tháng 8.2020. Cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ Alex Azar khi đương nhiệm đã tôn vinh việc sử dụng huyết tương dưỡng như một "thành tựu quan trọng" trong nỗ lực chống lại COVID-19.

Cơ quan quản lý của Mỹ cũng đã cho phép 2 phương pháp điều trị COVID-19 là thuốc kháng virus Remdesivir của Gilead vào tháng 10.2020 và cocktail kháng thể của Regeneron vào tháng 11 cùng năm. Vaccine COVID-19 2 liều của Pfizer đã được cấp phép khẩn cấp cách đây khoảng một năm.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) vào tháng 8 năm nay cũng cho biết huyết tương dưỡng không giúp ích gì cho bệnh nhân trong một nghiên cứu NIH tham gia thực hiện, tiến hành trên 500 bệnh nhân COVID-19 trưởng thành tại Đại học Pittsburgh. Thử nghiệm đã bị dừng vào tháng 2 do không hiệu quả.

Pfizer và Merck đang xin phép sử dụng khẩn cấp các loại thuốc kháng virus đường uống được thiết kế để giảm nguy cơ nhập viện do COVID-19.

(Theo AFP)

comment Bình luận

largeer