WHO khuyến cáo tiêm vaccine Moderna và phương pháp tiêm trộn vaccine

WHO khuyến cáo, cũng giống như các loại vaccine COVID-19 khác, vaccine Moderna nên được ưu tiên sử dụng cho đội ngũ nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao và người cao tuổi trước khi tiêm chủng đại trà.
05/09/2021 13:51
a2

 Vaccine COVID-19 của Moderna

Vaccine COVID-19 mRNA-1273 do công ty Moderna của Mỹ nghiên cứu và phát triển, sử dụng công nghệ mRNA để tạo ra miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Vaccine COVID-19 của Moderna cùng với AstraZeneca và Pfizer đang được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine mRNA-1273 của Moderna được sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, cũng giống như các loại vaccine COVID-19 khác, vaccine Moderna nên được ưu tiên sử dụng cho đội ngũ y tế có nguy cơ lây nhiễm cao và người cao tuổi trước khi tiêm chủng đại trà. Vaccine cũng có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Về liều lượng khuyến nghị, theo nội dung trong danh sách sử dụng khẩn cấp vaccine (Emergency Use Listing - EUL) của WHO, vaccine COVID-19 của Moderna gồm 2 liều tiêm (100 microgam, mỗi liều 0,5ml) cách nhau 28 ngày. Trong trường hợp cần thiết, khoảng thời gian chờ đợi giữa hai liều tiêm có thể kéo dài tới 42 ngày.

Các nghiên cứu đã chỉ ra một tác động đến sức khỏe cộng đồng khi khoảng thời gian này kéo dài hơn so với khuyến nghị trong EUL. Theo đó, các quốc gia đang đối mặt với tỉ lệ mắc COVID-19 cao nhưng gặp khó khăn về nguồn cung vaccine, có thể xem xét trì hoãn liều tiêm thứ 2 lên đến 12 tuần để đạt được tỉ lệ bao phủ liều đầu tiên cao hơn ở các nhóm dân số cần ưu tiên tiêm chủng.

WHO nhấn mạnh, nên tuân thủ lịch trình tiêm đầy đủ và sử dụng cùng một sản phẩm vaccine cho cả hai lần tiêm.

Về việc tiêm ''trộn và kết hợp'' 2 loại vaccine khác nhau, Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan từng lên tiếng cảnh báo không nên kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau, mặc dù các nghiên cứu cho thấy phương pháp "cocktail" vaccine có thể mang lại kết quả tích cực.

Trong cuộc họp báo của WHO hôm 13.7, bà Swaminathan nói: “Tôi thực sự muốn cảnh báo mọi người. Có những người đang nghĩ về việc kết hợp vaccine, đó là một xu hướng hơi nguy hiểm. Chúng tôi chưa có dữ liệu, chưa có bằng chứng. Có rất ít dữ liệu về việc kết hợp vaccine. Sẽ xảy ra tình huống hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào họ nên dùng liều thứ hai hoặc thứ ba hoặc thứ tư".

Một số nghiên cứu đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn từ sự kết hợp của các loại vaccine khác nhau. Viện Gamaleya của Nga là nhà phát triển vaccine đầu tiên khám phá con đường này khi cung cấp vaccine Sputnik V cho các thử nghiệm lâm sàng vào năm ngoái kết hợp với vaccine của AstraZeneca. Nghiên cứu này vẫn đang được tiến hành.

Các nghiên cứu tương tự kết hợp các loại vaccine khác đã củng cố lập luận về việc "trộn và kết hợp", và một số quốc gia - trong số đó có Vương quốc Anh, Canada và Italia - cho phép công dân tiêm kết hợp hai loại vaccine khác nhau trong hai lần tiêm.

Bà Swaminathan thừa nhận rằng, những nghiên cứu này đã cho thấy nhiều hứa hẹn, nhưng lưu ý ngay cả trong bối cảnh các biến thể COVID-19 mới nhất lan rộng, hiện tại vẫn chưa cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 3.

Ngọc Mạnh (Theo AFP)

comment Bình luận

largeer