Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều ngày 2/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
03/01/2024 15:14

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm qua, dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong đó có 136 chính sách dân tộc, các chính sách an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi từng bước cải thiện, nâng cao.

Ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%; tỉ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Dự kiến cuối năm 2023 thêm 9 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Các địa phương ghi nhận tỉ lệ nghèo giảm nhanh trong năm 2023, gồm: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang giảm 5,96%, Yên Bái giảm 5,25%, Lào Cai giảm 5,2%, Gia Lai giảm 4,21%, Kon Tum giảm 4,04%, Cao Bằng giảm trên 4%.

Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.

ptt

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 (Ảnh: VGP)

Một số địa phương vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP cao như: Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16%, Bình Phước 8,34%, Trà Vinh 8,25%, các tỉnh: Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên đều trên 7% cao hơn trung bình cả nước.

Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện tốt. Thủ tướng Chính phủ đã cấp xuất tổng số gần 21,5 nghìn tấn gạo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Về trợ giúp pháp lý, từ đầu năm đến ngày 31/10/2023, đã trợ giúp pháp lý cho 7.548 lượt người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, qua đó giúp đồng bào DTTS bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Công tác văn hóa, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào tiếp tục được các cấp, các ngành tạo điều kiện đầu tư, phát triển. Các lễ hội của đồng bào DTTS được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục, tập quán, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Ban Chỉ đạo Trung ương duy trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban chỉ đạo TW đã chủ trì nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; tổ chức nhiều chuyến đi kiểm tra, khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình triển khai các Chương trình của địa phương, chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.

Riêng Chương trình MTQG DTTS và miền núi, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt được khoảng 10.931,719 tỷ đồng, đạt 66, 1% kế hoạch, trong đó tỉ lệ giải ngân vốn của năm 2023 đạt 62,66% kế hoạch giao.

Đặc biệt, TP. Hà Nội đặt mục tiêu "về đích" ba Chương trình MTQG trước 5 năm nhờ huy động được nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện còn các sở, ngành thực hiện vai trò hướng dẫn, giám sát.

Bên cạnh những kết quả cơ bản trên, vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề bức xúc cần được tiếp tục giải quyết: Kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi vẫn còn thấp.

Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, đặc biệt đội ngũ cán bộ chất lượng còn hạn chế, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người DTTS hoặc có nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập.

Tỉ lệ và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong hệ thống cơ quan của Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở chưa bảo đảm, phù hợp quy định và tỉ lệ dân số là người DTTS cũng như chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương.

Đối với việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT tại địa phương, công tác tuyên truyền việc tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội (BHYT, BHXH) có lúc chưa sâu rộng nên còn tình trạng người dân chưa nắm, hiểu về quyền lợi của tham gia bảo hiểm, nhất là BHXH, vì thế số người dân nông thôn tham gia BHXH hiện nay còn thấp so với lực lượng lao động. Bên cạnh đó, việc tham gia BHYT vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên khi không có hỗ trợ thì tỉ lệ tham gia BHYT giảm. Vẫn còn tình trạng cấp thẻ trùng, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Tình trạng phá rừng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, buôn bán ma túy... vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn; văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một, nhất là tiếng nói chữ viết, trang phục của một số DTTS.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá chưa bao giờ công tác dân tộc được quan tâm như năm 2023, đặc biệt là việc rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; có nhiều cách làm, mô hình hay được ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và đồng bào DTTS.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh bất kỳ ai làm công tác dân tộc khi đến với đồng bào DTTS đều cảm thấy trách nhiệm lớn lao, thấy sốt ruột khi đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, là những người dễ bị tổn thương nhất, cuộc sống bấp bênh, sinh kế phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên.

Nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các Chương trình MTQG không đáng kể, khó giải ngân từ Trung ương đến địa phương; các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để kích động, chống phá trong khi cán bộ không phải lúc nào cũng có mặt bên bà con.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu nhanh và mạnh hơn dự báo, nhất là ở những nơi có đồng bào DTTS sinh sống; xung đột trên thế giới chưa có hồi kết; nền kinh tế có độ mở lớn… gây nhiều khó khăn cho đất nước nên đời sống của đồng bào DTTS càng khó khăn hơn.

Trong bối cảnh khó khăn chung năm 2023, Đảng và Nhà nước vẫn bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án phát triển và bảo đảm an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải dành sự quan tâm đúng mức đến công tác dân tộc; linh hoạt trong việc triển khai các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi phù hợp với văn hoá, phong tục, tập quán, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng dân tộc, tránh tư duy máy móc.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để bà con hiểu, đồng hành cùng các cấp chính quyền, bớt nghe kẻ xấu, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Phó Thủ tướng cho biết, trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về một số cơ chế đặc thù để cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719 về Phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719; giữ vai trò điều phối viên trưởng giữa các chương trình đối với đồng bào DTTS của các bộ, ngành, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai các Chương trình MTQG sao cho đạt hiệu quả cao nhất; làm đầu mối kết nối các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong triển khai các chương trình MTQG; đẩy mạnh chuyển đổi số để tiếp nhận thông tin từ cơ sở và phản hồi cho cơ sở một cách nhanh chóng, kịp thời.

Về công tác xây dựng ngành, các cấp, các ngành và địa phương phải đặc biệt quan tâm đến chăm lo sinh kế của bà con; nhất là vấn đề đất đai; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Phó Thủ tướng gợi ý Ủy ban Dân tộc tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ đề án/chương trình phát triển hệ thống các trường dành cho con em đồng bào DTTS để bảo đảm nguồn nhân lực làm công tác dân tộc trong tương lai.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải quan tâm hơn nữa đến công tác dân tộc; trong phân cấp, phân quyền cho cấp huyện, làm sao tránh đẩy cán bộ cấp dưới đến chỗ khó; bố trí cán bộ có kinh nghiệm, có khả năng để hỗ trợ cán bộ cấp huyện, xã trong triển khai các chương trình, dự án, hoặc có thể tính đến việc thuê tư vấn; đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, ra tấm, ra món.

Phó Thủ tướng chia sẻ công tác dân tộc là nhiệm vụ khó khăn nên các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm đến công tác này bằng cả tấm lòng, việc gì khó nếu quyết tâm vẫn có thể làm được, điển hình như chống dịch COVID-19.

Theo Báo Chính phủ

comment Bình luận

largeer