Yên Bái chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, năm 2022, chăn nuôi tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức do tác động của thời tiết; nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế, chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB),... Vì vậy, các sở, ngành chức năng, địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp PCDB bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.
20/04/2022 10:27

Thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè năm 2022, huyện Lục Yên phấn đấu tiêm cho 5.178 con trâu, 1.852 con bò, 7.700 con lợn và trên 68.500 con gà, vịt. Để đảm bảo cho công tác tiêm phòng, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã cung ứng 5.150 liều vaccine tụ huyết trùng trâu, bò; 5.000 liều vaccine tụ huyết trùng lợn; 9.000 liều Newcastle gia cầm, 170 liều vaccine phòng dại chó tại các xã. 

Cùng đó, Trung tâm cũng sẽ tăng cường giám sát, quản lý dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tính đến ngày 14/4, toàn huyện đã tiêm được gần 7.000 liều vaccine; trong đó, vaccine dại chó 2.200 liều; vaccine 3 bệnh trên đàn lợn 3.340 liều; tụ huyết trùng trâu, bò 550 liều và phấn đấu đến 30/4 bảo đảm 100% vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để chủ động PCDB gia súc, gia cầm và thủy sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 68, ngày 22/3/2022 về PCDB gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022. 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển chăn nuôi và PCDB động vật. Chủ động phát hiện sớm, tổ chức bao vây, khống chế không để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng, bảo đảm an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe của nhân dân.

Ngành chức năng, các địa phương phải rà soát, bổ sung, kiện toàn và tăng cường trách nhiệm của Ban Chỉ đạo PCDB động vật các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên về cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp PCDB động vật. 

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Đơn vị sẽ tổ chức triển khai, thực hiện tốt 2 đợt tiêm phòng vaccine chính vụ với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vaccine. Thời gian tiêm phòng bắt buộc cho gia súc đợt 1 vào tháng 3 đến tháng 6; đợt 2 vào tháng 9 đến tháng 12. 

Ngoài các đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung liên tục cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng chính và số gia súc thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng. 

Đối tượng tiêm phòng, loại vaccine tiêm phòng bắt buộc: tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng, lở mồm long móng ở đàn trâu, bò; vaccine bệnh dịch tả, tụ huyết trùng hoặc vaccine 3 bệnh trên đàn lợn với tổng số vaccine tiêm phòng 643.700 liều. 

Cùng đó, tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, tổng số thuốc sát trùng dự kiến phun trong năm 2022 gần 14.000 lít; ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn với các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...  

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện nghiêm các quy định về PCDB gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tiêm phòng các loại vaccine bắt buộc cho gia súc, gia cầm, khử trùng tiêu độc định kỳ chuồng trại. Những cơ sở chăn nuôi không thực hiện việc tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi và không thực hiện các biện pháp PCDB sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả những biện pháp bảo đảm an toàn cho vật nuôi sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong năm 2022 theo kế hoạch đề ra.

Theo Báo Yên Bái

comment Bình luận

largeer