Sử dụng thuốc đúng cách ở người cao tuổi

Người cao tuổi thường bị nhiều bệnh cùng lúc, dẫn đến việc uống nhiều loại thuốc khác nhau. Thêm vào đó những thay đổi lớn về sinh lý làm cho những tác dụng phụ của thuốc dễ gặp hơn; chưa kể việc nhầm lẫn, uống quá liều hay quên dùng thuốc cũng có thể dẫn đến những tai biến nghiêm trọng.
By Hoàng Hà
28/07/2020 13:54

Theo Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75,6 tuổi, xếp thứ 56 trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian đau ốm trong cả cuộc đời khoảng 15,3 năm. Người cao tuổi bị nhiều bệnh một lúc, nhất là các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch... Thống kê cho thấy khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, trung bình một người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3 bệnh.

Tại buổi tư vấn trực tuyến mới đây với chủ đề “Những lưu ý khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi tại nhà” do Báo Sức khỏe và Ðời sống tổ chức, Bác sĩ CKII  Lâm Nguyễn Nhã Trúc, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết:  “Ðối với người cao tuổi, các yếu tố dược động học, hấp thu và thải trừ phải được quan tâm. Do người lớn tuổi có khả năng hấp thu kém vì khả năng hấp thu của tế bào bị suy giảm, khả năng nhu động ruột giảm, nên ảnh hưởng hiệu quả hấp thu. Song song đó, sự suy yếu của các hệ thống gan, thận cũng làm giảm hiệu quả thải trừ của thuốc nên dễ dẫn đến ngộ độc”.

Về mặt cơ thể, sự thay đổi phân bố, tỷ lệ nước/mỡ của cơ thể làm thay đổi hiệu quả phân bố của các thuốc tan trong nước cũng như các thuốc tan trong dầu. Người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh mãn tính khác nhau nên cần sử dụng nhiều loại thuốc. Do đó tiềm ẩn các nguy cơ như tương tác thuốc, tác dụng không mong muốn, điều trị bệnh này là nguyên nhân làm nặng thêm bệnh khác. Người lớn tuổi còn có thể bị sa sút trí tuệ nên dễ xảy ra tình trạng quên uống thuốc hoặc uống quá nhiều lần nên dẫn đến quá liều, hoặc tự ý bỏ thuốc dẫn đến không uống đủ thuốc theo chỉ định.

Bác sĩ CKII Lâm Nguyễn Nhã Trúc nhấn mạnh: “Với các thuốc thông thường được chuyển hóa qua gan như hạ sốt, sổ mũi thì không được tự ý mua, sử dụng cho các bệnh nhân có vấn đề về chức năng gan. Với các thuốc gây buồn ngủ khi uống kèm với thuốc gây hạ áp có thể tăng nguy cơ té ngã của người lớn tuổi. Nên việc dùng thuốc có sự tư vấn, kê toa của bác sĩ”.

Tiến sĩ Bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, khuyến cáo: “Tốt nhất là uống thuốc đúng giờ. Nếu quên uống thuốc trong khoảng một giờ thì có thể chấp nhận được. Nếu như quên mà sau 4-5 tiếng mới nhớ ra thì cũng đã gần đến cử thuốc tiếp theo. Vậy thì trong trường hợp này, không nên dồn 2 cử thuốc với nhau, điều này sẽ làm cho liều thuốc bị tăng gấp đôi. Ngoài ra, khi uống thuốc, cần nhớ bác sĩ dặn uống lúc đói hay no”.

Khuyến cáo chung cho phần lớn các loại thuốc là sau khi uống thì không nên đi nằm ngay để thuốc có thời gian di chuyển từ miệng, thực quản rồi đến dạ dày để có đủ thời gian thuốc phân giải và hấp thu. Tuy nhiên, có một số thuốc cần lưu ý, sau khi uống không nên đi nằm ngay vì tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản nhất là các thuốc loãng xương nhóm Bi phosphonate nên uống lúc đói và nên đi lại. Có một số thuốc cần uống trước khi đi ngủ và uống đúng giờ vì có thể gây buồn ngủ nên việc uống sai giờ như vào buổi sáng có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Về nước uống thuốc, tối ưu nhất là nước lọc.

Gia đình nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc giúp người cao tuổi uống thuốc đúng cách, đúng giờ để bảo đảm hiệu quả điều trị, sống vui sống khỏe.

comment Bình luận

largeer