80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa

80 năm trôi qua, nhưng giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để Đảng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
28/03/2023 10:12

Đề cương văn hóa ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng

Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã tạo những điều kiện thuận lợi cho cuộc giải phóng dân tộc ở Đông Dương. Từ tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Trung ương Đảng nhận định những điều kiện thuận lợi cho cuộc giải phóng dân tộc đang đến gần. Công tác chuẩn bị về mọi mặt cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền nhanh chóng được xúc tiến, trong đó phải kể đến vai trò của mặt trận văn hóa. Từ sớm, Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, tiến hành cách mạng cũng đồng thời là thực hiện nhiệm vụ văn hóa, làm cách mạng cũng chính là làm văn hóa, vì cách mạng “là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”; xóa bỏ tận gốc rễ chế độ thực dân – phong kiến, loại bỏ chính sách ngu dân, nô dịch thực dân – phát xít và những tư tưởng văn hóa sai lầm để “đổi” sang chế độ dân chủ cộng hòa và xây dựng một nền văn hóa mới tiến bộ, con người mới.

to-quco-16768718631211238267894

(Ảnh: Báo Chính phủ)

Sau khi phát xít Nhật “nhẩy vào” Đông Dương, bắt tay cùng thực dân Pháp thi hành chính sách thống trị văn hóa đế quốc - phát xít, đẩy nền văn hóa Việt Nam có nguy cơ biến thành nền văn hóa nô dịch, phát xít nghèo nàn lạc hậu. Cùng với đó, do bị hạn chế của thế giới quan, không ít văn nghệ sĩ đã lâm vào tình trạng hoang mang, do dự, bi quan, hoài nghi, một số có cuộc sống trụy lạc, xa rời thực tiễn cuộc sống coi mình như không có dính dáng gì đến chính trị và thời cuộc, đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật – Pháp trên mặt trận tư tưởng – văn hóa diễn ra hết sức gay go quyết liệt và cần thiết phải có một văn bản chính thống về văn hóa để định hướng cho giới văn nghệ sĩ, để “soi đường cho quốc dân đi”.

Trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Tuy mới chỉ ở tầm “Đề cương”, với khoảng 1.500 từ, nhưng bản Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện xúc tích, ngắn gọn đã nêu nổi bật được bối cảnh lịch sử, xã hội, bối cảnh của văn hóa – văn nghệ Việt Nam, chỉ ra nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân - phát xít; chỉ ra mối quan hệ giữa cách mạng chính trị với cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa; vấn đề cách mạng văn hóa và nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác xít Đông Dương và Việt Nam…

Đề cương văn hóa Việt Nam được đánh giá như là bản Cương lĩnh của Đảng về văn hóa, khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Vạch rõ tính chất phản động của văn hóa thực dân, phát xít, nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của phát xít Nhật, Pháp. Đề cương đã góp phần thức tỉnh, “khai thông” tư tưởng cho một bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức đang rơi vào cảnh bi quan chán nản, mất phương hướng, là chỗ dựa vững chắc về tư tưởng, tinh thần cho mỗi người dân nói chung và đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ sĩ nói riêng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trước hết là đấu tranh chống lại các luận điệu lừa bịp, phản động, mị dân, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, xuyên tạc đường lối giải phóng dân tộc của Đảng.

Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng khi nhận thức rõ sự cần thiết phải kết hợp các lĩnh vực, các mặt trận trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập, để từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp khi xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng cùng với chính trị và kinh tế. “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động; Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; Có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”1

Đề cương văn hóa Việt Nam đã khái quát một cách cô đọng bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam qua cụm từ “Dân tộc – Đại chúng – Khoa học”. Đó là một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa có tính phổ biến, rộng rãi và luôn đấu tranh chống lại, loại bỏ những cái cũ, lạc hậu, bảo thủ để hướng tới tiến bộ văn minh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Việc vận dụng, bổ sung và phát triển những quan điểm, nội dung Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng cần phải dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, quan điểm lịch sử cụ thể, chủ nghĩa duy vật biện chứng, để từ đó thấy được những mặt mạnh, những đóng góp nổi bật của Đề cương Văn hóa cần tiếp tục phát huy, cũng như điều chỉnh những mặt hạn chế bất cập cho phù hợp với điều kiện mới.

Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa

Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp “Kháng chiến Kiến quốc”, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, trong đó có 3 nhiệm vụ thuộc về văn hóa: “Giải quyết nạn dốt;… Giáo dục tinh thần của nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính;… và đề nghị Chính phủ tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”2

Đường lối văn hóa kháng chiến của Đảng được từng bước hình thành trong quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Đường lối đó được thể hiện trước hết trong bức thư của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 16/11/1946 về “Nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước hiện nay” và Chỉ thị “Kháng chiến Kiến quốc” của Trung ương Đảng, ngày 25/11/1945, chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ về văn hóa: “chống nạn mù chữ, cải cách giáo dục theo tinh thần mới, mở đại học và trung học, xây dựng nền văn hóa mới theo ba nguyên tắc: khoa học hóa, dân tộc hóa, đại chúng hóa”3.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thực dân Pháp sau khi đưa quân ra miền Bắc theo thỏa thuận tại Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, đã liên tiếp vi phạm hiệp định khi có các hoạt động quân sự khiêu khích, tấn công Hải Phòng và Lạng Sơn, chiếm đóng Hải Dương và Đà Nẵng, ngày 24/11/1946, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của văn hóa trong tình hình mới: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở,…Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ,… Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi…”4.

Tháng 7/1948, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khốc liệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức tại Việt Bắc. Hội nghị đã được nghe Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày Báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Báo cáo đã chỉ rõ 6 nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa Việt Nam, hệ thống hóa, cụ thể hóa và phát triển quan điểm của Đảng được nêu ra trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.

Cùng với những quan điểm của Đảng, Thông qua các bài viết, bài nói chuyện tại các Hội nghị văn hóa toàn quốc, với giới văn nghệ sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của văn hóa và đội ngũ cán bộ văn hóa đối với sự nghiệp “Kháng chiến Kiến quốc”. Đồng thời, Người có những ý kiến chỉ đạo sâu sắc mang tính định hướng, chiến lược về đường lối văn hóa, văn nghệ nước nhà. Trong thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (tháng 7/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”5.

Trong tác phẩm Đời sống mới, xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có kiến giải sâu sắc về những vấn đề thiết thực trong đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa, đăng trên Báo Cứu quốc, ngày 5/1/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như đội ngũ những người làm công tác văn hóa, họ luôn xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy,… Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị,… Chính trị, kinh tế, văn hóa đều phải coi là quan trọng ngang nhau”6.

Sau tháng 7/1954, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng hai miền, nhiều văn kiện của Đảng về văn hóa như: Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957), lần thứ III (1962); Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960),.. được ban hành đã xác định đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc. Cùng với đó, nhiều bài viết, bài nói chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ được công bố đã nhận được sự hoan nghênh của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước.

Thông qua các văn kiện, tác phẩm đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Dân tộc – khoa học – đại chúng vẫn là những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Việt Nam và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời khẳng định, văn hóa, tư tưởng là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời và gắn kết chặt chẽ với các cuộc cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật. “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kĩ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kĩ thuật là then chốt”7.

Sau tháng 4/1975, đất nước thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa tiếp tục được bổ sung, phát triển trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982), lần thứ VI (1986) của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII (tháng 6/1991) thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Cương lĩnh nêu rõ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội có sáu đặc trưng, trong đó xác định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đồng thời đề ra phương hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam là “Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa làm cho thế giới quan Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức  Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”.

Nhận thức được tầm quan trọng của Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII ngày 16/7/1998 đã ban hành Nghị quyết số 03 – NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết chỉ rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân…”

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Văn học, nghệ thuật cũng là một trong những lĩnh vực được Đảng quan tâm, chỉ đạo, trên cơ sở đó, ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam…”

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Cương lĩnh nêu ra tám phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong đó khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Đồng thời, Đại hội đã đề ra định hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong tình hình mới: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, tiếp tục phát huy vai trò trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI ngày 9/6/2014 ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học… Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”. Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời là sự tiếp tục phát triển tư duy lý luận và sáng tạo của Đảng trong việc nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là xác định yếu tố con người, xác định phương hướng, đặc trưng, động lực, tính chất đặc thù của văn hóa.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) xác định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”8.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế,… Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ”9.

Tám thập kỷ đã trôi qua kể từ khi ra đời (1943 – 2023), nhưng giá trị, ý nghĩa của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và nó vẫn mãi trường tồn cùng với sự phát triển của đất nước, dân tộc Việt Nam. Những nội dung cốt lõi, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương văn hóa Việt Nam là cơ sở, tiền đề để Đảng ta xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa thực sự trở thành nguồn cội, sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy dân tộc ta tiếp tục phát triển trên con đường đổi mới đất nước như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2022: “Tôi tin rằng, với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Tài liệu tham khảo:

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.318.

Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.1-3.

Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.47, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2008.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.7, tr.246-247.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr.677.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.7, tr.246.

Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđđ, t.37, tr.998.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 126.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr. 262.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

comment Bình luận

largeer