Ấn Độ: Hơn 300.000 người chết vì COVID-19

Ấn Độ trở thành nước thứ ba trên thế giới vượt ngưỡng 300.000 người chết do COVID-19, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng con số thực cao hơn nhiều.
25/05/2021 07:28

Ấn Độ hôm qua ghi nhận thêm 4.454 ca tử vong do COVID-19, mức tăng trong ngày cao thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở nước này lên 303.720. Thống kê của Chính phủ Ấn Độ cho thấy ca tử vong đã tăng hơn 50.000 chỉ trong hai tuần qua, trong khi tổng số người nhiễm COVID-19 đã vượt mức 26,7 triệu.

an-do-covid-19-21-1582-1621865145

Thi thể nạn nhân COVID-19 xếp bên ngoài một nhà hỏa táng ở New Delhi hồi cuối tháng 4 (Ảnh: AFP)

Khủng hoảng y tế đã hạ nhiệt ở các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ cũng giảm dần sau khi đạt đỉnh hôm 9/5. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nước này có thể phải đối mặt đợt bùng phát dịch lần ba trong những tháng tới, do COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng ở các khu vực nông thôn và bang miền nam, trong khi nhiều bang không thể tiêm chủng cho người dưới 45 tuổi vì thiếu nguồn cung.

Ấn Độ đã tiêm hơn 196 triệu liều vaccine COVID-19 kể từ giữa tháng 1, nhưng mới chỉ có 3,8% trong tổng dân số 1,3 tỷ người được tiêm đủ hai mũi vaccine.

"Số người chết sẽ luôn tăng trễ hơn số ca nhiễm mới. Những người có xét nghiệm dương tính sẽ nhập viện, một phần trong đó sẽ chết và được ghi nhận sau một thời gian", giáo sư sinh học Gautam Menon thuộc Đại học Ashoka của Ấn Độ nhận xét.

Đợt bùng phát dịch cũng đi kèm với hàng nghìn ca nhiễm nấm đen (mucormycosis), chủ yếu ảnh hưởng tới những người mắc bệnh tiểu đường. Khoảng hơn 5.000 đến gần 9.000 bệnh nhân COVID-19 đang mắc căn bệnh này trên khắp Ấn Độ, so với ít 20 trường hợp mỗi năm trước đại dịch.

Làn sóng COVID-19 thứ hai đã làm hệ thống y tế Ấn Độ vỡ trận do thiếu oxy y tế, thuốc điều trị và vaccine. Chính phủ liên tục bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ, khiến các nhà hỏa táng và nghĩa trang quá tải. Nhiều chuyên gia cho rằng con số bệnh nhân và người chết thực tế có thể cao gấp nhiều lần thống kê của chính phủ.

"Các thi thể dọc sông Hằng dường như không được ghi nhận là người chết do COVID-19, nhưng nhiều khả năng chính là nạn nhân của đại dịch", giáo sư Menon nói.

Anh Anh (Theo AFP)

comment Bình luận

largeer