Ăn hoa quả sấy khô có tốt không?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hoa quả sấy khô được bày bán và được quảng cáo còn giữ nguyên chất dinh dưỡng so với hoa quả tươi và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn hoa quả sấy khô có tốt và an toàn cho sức khỏe hay không?
25/03/2021 17:00

Sấy khô là một phương pháp bảo quản hoa quả phổ biến hiện nay. Đây là loại hoa quả mà lượng nước bên trong đã rút cạn kiệt thông qua kỹ thuật sấy hoặc phơi tự nhiên. Thông thường khi được sấy, chỉ có lượng nước trong hoa quả mất đi, còn các chất dinh dưỡng khác vẫn giữ được nên đây trở thành sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhất định, các loại vitamin như vitamin C, vitamin B1, B2 có trong trái cây gần như biến mất hoàn toàn.

hoa qua say kho

Hình minh họa.

Vậy ăn hoa quả sấy khô có tốt không?

Trái cây sấy khô có hàm lượng cao các chất dinh dưỡng. Một miếng trái cây khô chứa lượng chất dinh dưỡng tương đương với trái cây tươi, nhưng cô đặc trong một gói kích thước nhỏ. Tính theo trọng lượng, trái cây sấy khô chứa tới 3,5 lần chất xơ, vitamin và khoáng chất so với trái cây tươi. Do đó, một khẩu phần có thể cung cấp tỷ lệ lớn lượng tiêu thụ hàng ngày của nhiều loại vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như folate.

Trái cây sấy khô thường chứa rất nhiều chất xơ và là một nguồn chứa nhiều chất chống oxy hóa đặc biệt là polyphenol. Chất chống oxy hóa polyphenol có liên quan đến lợi ích sức khỏe như cải thiện lưu lượng máu, sức khỏe tiêu hóa tốt hơn, giảm tổn thương oxy hóa và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh. Một số trường hợp ngoại lệ, hàm lượng vitamin C có thể giảm đáng kể khi sấy khô trái cây.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, đồng thời là doanh nhân và sáng lập trung tâm The Nutrition School, bà Keri Glassman, một số loại hoa quả sấy khô tốt cho sức khỏe như:

Nho khô có thể ngăn ngừa bệnh huyết áp, tiêu viêm, giảm cholesterol, tăng cảm giác no, giảm lượng đường trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mận khô là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, giàu chất xơ, kali, beta-carotene (vitamin A) và vitamin K. Ăn mận khô giúp trị bệnh táo bón, ức chế quá trình oxy hóa cholesterol LDL có hại cho sức khỏe, từ đó ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư. Khoáng chất boron có trong loại quả này có tác dụng chống loãng xương...

Tuy nhiên, một số loại trái cây sấy khô lại không tốt cho sức khỏe khi có chứa một lượng đường tự nhiên nhất định. Do nước đã được loại bỏ khỏi trái cây sấy khô nên lượng đường và calo sẽ tăng lên theo trọng lượng. Vì lý do này, trái cây sấy khô có lượng calo và đường cao hơn trái cây tươi bao gồm glucose và fructose.

Trả lời trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, về bản chất, hoa quả sấy vẫn cung cấp năng lượng, chất bột đường. Năng lượng nhiều sẽ không tốt cho các đối tượng thừa cân, béo phì, đái thái đường. Điều này càng nguy hiểm khi trái cây sấy có khối lượng nhẹ trong khi năng lượng vẫn nhiều khiến người ăn khó kiểm soát lượng nạp vào dạ dày.

Đặc biệt, môt số nhà sản xuất trái cây khô có thể cho thêm chất bảo quản để giữ chúng được lâu hơn cũng có thể gây tác hại đối với sức khỏe, đặc biệt là chất sulfite. Chất này khi vào cơ thể có thể gây ra đau dạ dày, phát ban da và lên cơn hen. 

Chính vì thế, chúng ta cần lưu ý khi lựa chọn trái cây sấy khô, cần mua ở nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không nên lạm dụng ăn quá nhiều trái cây sấy khô để tránh mắc các bệnh về tiểu đường, tim mạch... Uống cùng với nước khi ăn trái cây khô.

Khuyến cáo, trong chế độ ăn dành cho người Mỹ (DGA) giai đoạn 2015-2020 khuyến nghị những người trưởng thành nên tiêu thụ 2 ly trái cây tươi/ngày. Một ly trái cây tươi tương đương 1 ly trái cây đóng hộp hoặc 1 ly nước ép trái cây nguyên chất, 1 trái chuối (cam, lê) lớn hoặc nửa chén trái cây khô.

Mỹ Hạnh (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer