Australia ghi nhận ca COVID-19 cao kỷ lục, cảnh báo dịch còn tồi tệ hơn
Thế giới đã ghi nhận 220.970.920 ca nhiễm COVID-19 và 4.569.201 ca tử vong, tăng lần lượt 466.709 và 7.466, trong khi 195.746.398 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Australia hôm qua ghi nhận 1.756 ca nhiễm COVID-19 mới, vượt qua kỷ lục trước đó một ngày, nâng tổng số ca nhiễm được ghi nhận lên 59.968. Có thêm 4 ca tử vong, nâng số người chết do COVID-19 tại Australia lên 1.036.
1.533 ca nhiễm trong số này được phát hiện ở bang New South Wales, nơi chật vật đối phó với đợt bùng phát do biến chủng Delta từ giữa tháng 6. Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Australia đang cao gấp đôi con số trong những đợt dịch tồi tệ nhất trước đó.
Cảnh sát nói chuyện với người dân trên bãi biển ở thành phố Melbourne, Australia, hôm 2/9
Giới chức bang New South Wales và Victoria tin rằng không thể xóa sổ hoàn toàn COVID-19 bằng chiến lược đã áp dụng thành công trong những đợt dịch trước, mà phải tập trung vào tăng tốc tiêm vaccine để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Bang New South Wales dự báo số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ duy trì trên 1.000 trong ít nhất hai tuần tới, trong khi số người nhập viện sẽ đạt đỉnh vào tháng 10.
Số ca nhiễm ở Victoria, bang đang trải qua đợt phong tỏa thứ 6, giảm nhẹ so với một ngày trước đó, nhưng chính quyền cảnh báo đợt bùng phát vẫn chưa đạt đỉnh. "Xu thế chung vẫn là tăng chậm và đều đặn. Đó là lý do tiêm vaccine và tuân thủ quy định là rất quan trọng", người đứng đầu cơ quan y tế bang Victoria Brett Sutton cho hay.
Bang Victoria, New South Wales và vùng thủ đô Australia với 60% dân số cả nước đã áp đặt lệnh phong tỏa chặt chẽ suốt nhiều tuần qua. Điều này sẽ được duy trì cho đến khi 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Australia có thể đạt mục tiêu vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 với tốc độ triển khai vaccine hiện nay.
Mới chỉ có một phần ba dân số trên 16 tuổi được tiêm vaccine, dù tốc độ đã tăng đáng kể khi chính phủ Australia tìm kiếm được thêm nguồn vaccine.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 40.761.851 ca nhiễm và 665.463 ca tử vong do COVID-19, tăng lần lượt 55.177 và 528 trường hợp so với một ngày trước đó.
Số liệu về COVID-19 của Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm tại Mỹ chiến 25,98% ca COVID-19 trên toàn thế giới, trong tuần từ ngày 24/8 đến 31/8. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ chiếm khoảng 14,4% toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên Mỹ chiếm hơn 1/4 số ca nhiễm mới trên toàn cầu kể từ tháng 2. Vào giai đoạn đầu tháng 7, ca nhiễm tại Mỹ có thời điểm chiếm chỉ 3% tổng ca nhiễm mới trên thế giới. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế về COVID-19 của Nhà Trắng, đánh giá Delta chiếm khoảng 99% tổng số ca nhiễm ở Mỹ và vẫn là mối đe dọa hàng đầu so với một số biến chủng mới xâm nhập.
Trong vài tuần gần đây, ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ tăng liên tục. Hôm 2/9, số ca tử vong trung bình tuần là 1.500, tăng vọt so với mức 200 ca đầu tháng 7.
Giới chuyên gia Mỹ đánh giá ca tử vong và ca nhiễm tăng vọt thời gian qua do biến chủng Delta bùng phát. Ca nhiễm mới tăng nhanh ở gần như mọi bang. Tuy nhiên, chỉ những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp mới ghi nhận ca tử vong tăng đột biến.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 32.987.615 ca nhiễm và 440.567 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 42.924 và 311 ca.
Tỷ lệ tiêm chủng tại Ấn Độ tăng vọt trong những ngày gần đây do nguồn cung được cải thiện. Nước này đã sử dụng 662 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó 54% dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều và 16% hoàn thành tiêm chủng.
Cùng với việc hơn 2/3 dân số đã có kháng thể, chủ yếu thông qua lây nhiễm tự nhiên, giới chuyên gia đánh giá đợt gia tăng số ca nhiễm mới trên toàn quốc sẽ ít chết chóc hơn so với hồi tháng 4 và tháng 5.
Theo một nghiên cứu chưa được bình duyệt gần đây tại bang Kerala, một liều vaccine AstraZeneca, được sử dụng chính tại Ấn Độ, tạo ra lượng kháng thể cho những người từng nhiễm virus cao gấp 30 lần so với những người được tiêm đầy đủ nhưng chưa bao giờ nhiễm.
Dù vậy, chính phủ Ấn Độ cảnh báo những địa phương khác cũng có thể chứng kiến số ca nhiễm gia tăng như Kerala, trong bối cảnh mùa lễ hội bắt đầu từ tháng này và kết thúc vào đầu tháng 11. Một số phụ huynh còn lo lắng về việc tái mở cửa các lớp học tại thủ đô New Delhi và một số bang như Gujarat.
Singapore ghi nhận 68.469 ca nhiễm, tăng 259 ca, trong đó gồm 55 ca tử vong.
Giới chức y tế Singapore lên kế hoạch tiêm tiêm mũi tăng cường cho một số nhóm dân số để tăng khả năng miễn dịch chống biến chủng Delta. Những người sẽ được tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường gồm người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, người trên 60 tuổi và người sống tại các viện dưỡng lão.
Bộ Y tế Singapore cho biết những người suy giảm miễn dịch, như bệnh nhân ung thư đang được điều trị, có phản ứng miễn dịch rất yếu sau khi được tiêm vaccine. Họ được khuyến cáo tiêm mũi thứ ba cùng loại vaccine dùng công nghệ ARN thông tin (mRNA) hai tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Những người cao tuổi hoặc nguy cơ trở nặng sau khi nhiễm COVID-19 được khuyến cáo tiêm mũi tăng cường 6-9 tháng sau mũi thứ hai.
Malaysia, vùng dịch lớn thứ ba khu vực, báo cáo 1.824.439 ca nhiễm và 17.883 ca tử vong, tăng lần lượt 19.057 và 362 ca.
Malaysia dự kiến mở cửa lại du lịch tại quần đảo Langkawi, trong nỗ lực tái xây dựng nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 2/9 cho biết Langkawi sẽ mở cửa cho dân địa phương theo kế hoạch bong bóng du lịch từ ngày 16/9, các điểm đến khác sẽ được nối lại hoạt động khi tỷ lệ tiêm chủng của địa phương đạt 80%.
Trong một cuộc họp hôm 1/9, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết COVID-19 sẽ được coi là bệnh đặc hữu và đã đến lúc người dân Malaysia học cách sống chung với COVID-19. Hơn 84% dân số trưởng thành tại nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 và 64% đã hoàn thành liệu trình tiêm.
"Đến cuối tháng 10 sẽ đạt được tỷ lệ tiêm chủng 100%. Cuối cùng chúng ta cũng phải sống với COVID-19 như những nơi khác trên khắp thế giới", Thủ tướng Ismail Sabri cho biết.
Vũ Anh (Theo Reuters)
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm