Bà bầu uống cà phê có hại không?

Trong thời gian mang thai, nhiều phụ nữ có biểu hiện "nghén" cà phê. Vậy cà phê có phải là chất hoàn toàn phải tránh xa trong thời kỳ này hay không, nhiều mẹ chắc hẳn chưa nắm được?
27/09/2020 20:21

 "Tôi đang mang thai tháng thứ 3 thai kỳ nhưng lại rất thèm cà phê, mỗi ngày nếu không được uống tôi rất khó chịu và bứt rứt. Nhưng lo sợ cà phê sẽ ảnh hưởng đến em bé nên tôi phải cố nhịn. Tôi muốn hỏi: Bà bầu có được uống cà phê hay không, uống bao nhiêu sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi?", bạn đọc Nguyễn Hồng Lĩnh (Thái Nguyên) hỏi.

Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai có thể hấp thu tới 200mg caffeine mỗi ngày. Nói cách khác, bạn có thể uống một cốc rưỡi cà phê phin hoặc hai cốc cà phê hòa tan mỗi ngày để làm dịu cơn thèm caffeine. Tuy nhiên, mẹ bầu nên lưu ý rằng việc hạn chế thức uống chứa caffeine trong thai kỳ vẫn là điều nên làm. 

cf

Nếu mẹ bầu lạm dụng cà phê quá nhiều sẽ gây ra một số tác động xấu đối với sức khỏe và thai nhi.

Cụ thể, Caffeine là một chất kích thích, nếu tiêu thụ quá nhiều loại chất này có thể làm tăng huyết áp khi mang thai và tăng nhịp tim, gây lo lắng, mất ngủ hoặc khó ngủ. Caffeine cũng được ví như một loại thuốc lợi tiểu và làm tăng tần suất đi vệ sinh. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ vô tình làm cơ thể mất nước. Thường xuyên uống cà phê hoặc thức uống chứa caffeine có thể gây lệ thuộc. Khi bà bầu kiêng cà phê đột ngột, rất có thể bạn sẽ gặp các triệu chứng như khó chịu, mệt mỏi và đau đầu.

Đối với thai nhi, Caffeine cũng có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến các cơ quan đang phát triển trong bào thai do bé không thể xử lý được loại chất này. Bà bầu uống cà phê hoặc thức uống chứa nhiều caffeine cũng kích thích thai nhi khiến em bé hoạt động trong thời gian dài. Caffeine cũng sẽ khiến nhịp tim của thai nhi đập nhanh hơn, dẫn đến rối loạn giấc ngủ hoặc nhịp tim không đều.

Trong Bài dịch và tổng hợp của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa - Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cũng chỉ ra:

Tác hại của Caffeine đối với sức khỏe thai kỳ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi từ những năm 1980. Khi mang thai, tỷ lệ trao đổi chất caffeine ở các bà mẹ giảm đáng kể, đặc biệt là sau ba tháng đầu và thời gian bán hủy của caffeine tăng từ 2,5 đến 4,5 giờ lên khoảng 15 giờ vào cuối thai kỳ. Hơn nữa, caffeine có khả năng lipid hóa để tự do vận chuyển qua tất cả màng sinh học, bao gồm hàng rào nhau thai của máu, trong khi cả thai nhi và nhau thai đều không có các enzyme cho sự chuyển hóa của nó; caffeine được hấp thụ bởi cơ thể mẹ cũng có thể tích lũy trong ống dẫn trứng hoặc môi trường dịch tử cung, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển và tạo ra phôi mang các bệnh xuất hiện ở người lớn.

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy sử dụng caffeine khi mang thai có liên quan đến hội chứng chậm phát triển trong tử cung (IUGR) / nhẹ cân, vô sinh, và sảy thai tự nhiên (Hình 1A). Liều lượng caffeine tối đa an toàn cho sức khỏe thai kỳ đã được công bố trước đây: uống hàng ngày dưới 300 mg caffeine (khoảng ba cốc cà phê) khi mang thai được coi là không có khả năng gây hại cho sức khỏe thai kỳ. Tuy nhiên, liều dùng an toàn này đang được đánh giá lại dựa trên bằng chứng ngày càng tăng cho thấy ngay cả hàng ngày dùng liều dưới 300 mg cũng có thể làm tăng nguy cơ suy thai.

Hơn nữa, các nghiên cứu khác cho thấy rằng ngay cả một lượng hàng ngày thấp khoảng 100 -200 mg trong khi mang thai cũng có có liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai, hạn chế tăng trưởng của thai nhi, nhẹ cân, cũng như tăng nguy cơ cho con cái, bao gồm suy giảm phát triển nhận thức, thừa cân, và béo phì. Những nghiên cứu này làm tăng mối lo ngại rằng có thể không có ngưỡng an toàn tiêu thụ caffeine tuyệt đối khi mang thai.

Xuân Lam

comment Bình luận

largeer