Bắc Giang: Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
19/08/2024 12:53

Mục đích của kế hoạch nhằm thực hiện các nội dung của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp và tối ưu nhất với tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), đặc điểm vị trí địa lý của tỉnh Bắc Giang góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao vị thế, phát huy tiềm năng sẵn có phát triển ngành Dược của tỉnh.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là phát triển tổng thể ngành Dược của tỉnh Bắc Giang phù hợp với điều kiện KT-XH và quy hoạch phát triển ngành y tế theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh để phát triển công nghiệp dược, sản xuất thuốc và các sản phẩm từ dược liệu; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng.

Cụ thể, phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc; 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát và quản lý đầy đủ về hiệu quả và an toàn đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Duy trì 100% cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (GDP), 100% nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” (GPP).

bacgiang

(Ảnh minh họa: Bacgiang.gov)

Định hướng đến năm 2045, phấn đấu thu hút đầu tư và hình thành được ít nhất 01 cơ sở sản xuất thuốc hóa dược đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP). Duy trì nhà máy sơ chế, chế biến, chiết xuất dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc từ dược liệu có giá trị cao trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh. Phát triển các vùng trồng dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng (Sâm nam núi Dành, Kim tiền thảo, Ba kích…), sản xuất dược liệu quy mô lớn và định hướng dành quỹ đất thỏa đáng cho việc xây dựng các vườn bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số giải pháp thực hiện gồm: Triển khai thực hiện Luật, Nghị định, các Thông tư ban hành trong lĩnh vực Dược. Cho ý kiến thực tiễn trong quá trình sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược liên quan đến sản xuất, kinh doanh, cung ứng, phân phối, sử dụng thuốc, dược lâm sàng, cảnh giác dược, thông tin, quảng cáo thuốc. Rà soát, chú trọng các quy định về đấu thầu, mua sắm, đảm bảo công khai, minh bạch; ưu tiên thuốc chất lượng cao giá hợp lý, tăng tỷ lệ và giá trị thuốc sản xuất trong nước, đảm bảo việc ưu đãi sử dụng thuốc trong nước theo quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Quan tâm bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Chuyển đổi một số diện tích cây nông nghiệp trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho phù hợp. Khoanh nuôi, tái sinh, làm giàu rừng đối với một số cây dược liệu thích nghi với điều kiện trồng dưới tán rừng để kết hợp phát triển nguồn dược liệu và công tác bảo vệ rừng. Xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu, cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến dược liệu.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về dược; nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế công lập về đấu thầu, cung ứng thuốc. Nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc tại địa phương nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tăng cường lấy mẫu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường, nhất là dược liệu nhập khẩu theo chất lượng đã đăng ký.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các hoạt động dược lâm sàng theo lộ trình tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cải thiện chất lượng công tác cảnh giác dược, thông tin thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh; tập trung nâng cao năng lực của người dược sĩ trong thực hành tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả tại các tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ về cây thuốc, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển dược liệu từ việc tiếp cận chia sẻ thông tin để truy xuất nguồn gốc dược liệu, quản lý các yếu tố đầu vào đến theo dõi, giám sát quy trình trồng, chăm sóc, khâu sơ chế, đóng gói tự động, vận chuyển, lưu trữ và lưu hành sản phẩm.

Diệu Hoa

comment Bình luận

largeer