Những cây thuốc nam điều trị động kinh

Bệnh động kinh (kinh giật, kinh giản) là một trong những bệnh khó chữa, để lại nhiều di chứng, đặc biệt là về tâm lý khiến người bệnh không khỏi tự ti. Vậy ngoài phương pháp điều trị Tây y ra, Đông y có những cây thuốc nam điều trị động kinh hiệu quả ra sao?
09/08/2024 16:32

Những cây thuốc nam điều trị động kinh từ thực vật

Cây câu đằng 

Câu đằng vị thuốc từ thảo dược có hình dáng như cái móc câu được dân gian sử dụng rất thông dụng trong Đông y, công dụng chính của vị thuốc này được đông y sử dụng nhiều nhất trong điều trị các bệnh liên quan tới hệ thần kinh như: Co giật, động kinh, kinh giản.

Câu đằng từ lâu đã được người dân tộc miền núi sử dụng làm thuốc điều trị động kinh, vị thuốc này cũng là một thành phần quan trọng trong bài thuốc nam điều trị bệnh động kinh của người Mường Hoà Bình.

Cách dùng câu đằng: Lấy khoảng 10 -15g cây khô, rửa sạch rồi đem sắc với khoảng 1 lít nước, đun cạn lấy 500ml chia làm 3 lần uống trong ngày.

Sâm ô linh 

Sâm ô linh có tên khoa học là Xylaria nigripes (Klotzsch) Cooke, cây có hình dáng khá đặc biệt, toàn bộ bên ngoài củ sâm bao phủ một màu đen bóng, có hình dáng giống như củ khoai nhỏ, bên trong củ có màu trắng, đặc biệt không thấy lá và thân của cây này, mà chỉ thấy xuất hiện củ trong lòng đất. 

Loại thảo dược đắt đỏ chỉ xuất hiện trong lòng đất sâu đến hàng mét, bên trong các ụ mối là một loại dược liệu với những công dụng rất đặc biệt, trong đó có công dụng điều trị chứng bệnh động kinh. Mới đây nhóm các nhà nghiên cứu tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Trung Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc thông qua nghiên cứu đã xác định được hiệu quả cải thiện chứng trầm cảm, giảm tần xuất cơn co giật do bệnh động kinh của sâm ô linh.

Cách dùng: Lấy khoảng 15g sâm tươi đem rửa sạch, thái thành từng lát mỏng, pha hãm với khoảng 1 lít nước sôi trong thời gian khoảng 20 phút cho ngấm, sau đó chắt lấy nước thuốc uống trong ngày, nếu hết có thể pha thêm nước thứ hai.

caudang

Cây câu đằng (Ảnh: Caythuoc.org)

Cây tre ta

Chắc bạn rất bất ngờ khi thấy cây tre ta cũng là một vị thuốc điều trị động kinh đúng không? Trong Đông y, tre ta còn được gọi lần lượt là các vị: Trúc nhự (vỏ tre), trúc diệp (lá tre non), trúc lịch (cây tre non nướng vắt lấy nước).

Mỗi một bộ phận của cây tre có những công dụng riêng và dùng điều trị những căn bệnh khác nhau. Đặc biệt nhất là vị thuốc trúc lịch (thân cây tre non nướng vắt lấy nước). Theo kinh nghiệm dân gian thân cây tre non nướng lên vắt lấy nước uống có công dụng điều trị táo bón, cấm khẩu, điên cuồng, động kinh.

Liều dùng cây tre non làm thuốc điều trị động kinh: Cây tre non (măng tre) mỗi ngày khoảng 1-2 cây măng đem rửa thật sạch, đặt lên bếp nướng khoảng 15 phút, tới khi thấy thân cây mềm ra thì ngưng. Lại đem ra vòi nước rửa cho sạch, đập dập rồi quấn vào vải sạch vắt lấy nước, pha với nước gừng tươi để uống. Liều lượng khoảng 25ml – 30ml nước tre non/ngày.

Lưu ý: Dùng đúng măng tre, không dùng măng nứa, măng luồng hay các loại măng khác hiệu quả sẽ không được như ý muốn.

Cây xấu hổ (mắc cỡ)

Cây xấu hổ có tên khoa học là Mimosa pudica L, là một loại cỏ dại mọc hoang hóa rất nhiều nơi ở nước ta, loại cỏ này nhiều đến nỗi ở một số nơi người dân phải đốn bỏ để tránh làm ảnh hưởng tới cây trồng. Cây xấu hổ còn là một loại cỏ dại vô cùng khó chịu với người nông dân, bởi toàn cây có gai sắc ngọn, nếu không mang dày dép bạn sẽ dễ dàng bị gai đâm chảy máu.

Mặc dù là loài mang nhiều tai tiếng, nhưng thật bất ngờ cây xấu hổ lại mang trong mình công dụng của một vị thuốc. Kinh nghiệm dân gian sử dụng thân lá cây xấu hổ làm thuốc an thần, trấn kinh, giảm đau nhức xương khớp.

Liều dùng xấu hổ điều trị động kinh: 20g xấu hổ khô, kết hợp 15g câu đằng đun lấy nước uống hàng ngày.

Những vị thuốc nam điều trị động kinh từ động vật

Xác ve sầu

Nói về thuốc điều trị động kinh dân gian ngoài các vị thuốc có nguồn gốc thực vật, không thể không nói tới những vị thuốc có nguồn gốc động vật. Một trong những vị thuốc nguồn gốc từ động vật vô cùng thông dụng đó là xác ve sầu.

Xác ve sầu hay xác ve (thuyền thuế) là phần vỏ của con bọ ve sau một thời gian nhiều năm sống dưới lòng đất, vào một buổi tối của những ngày đầu hè sau cơn mưa, bọ ve từ lòng đất bò lên thân cây lột xác, bọ ve trở thành con ve sầu có cánh, chúng bỏ lại lớp vỏ bên ngoài dính vào gốc cây. Đầu hè vào tháng 4, tháng 5 hàng năm chúng ta có thể nhặt lấy những xác ve bỏ lại rất nhiều trên những gốc cây để làm thuốc.

Theo kinh nghiệm dân gian, xác ve sầu là một vị thuốc rất quý, có nhiều công dụng hay, đặc biệt nhất là dân gian dùng xác ve sầu làm thuốc điều trị chứng co giật, chân tay co quắp (một trong những biểu hiện của bệnh động kinh).

Liều dùng xác ve: 2-3g/ngày, đen rửa sạch, phơi thật khô sau đó đem tán thành dạng bột mịn, hòa cùng nước sôi uống hàng ngày.

Bạch cương tàm (con sâu tằm)

Một vị thuốc khác có nguồn gốc từ động vật đó là bạch cương tàm hay con sâu tằm bị chết cứng do nấm khuẩn bạch cương. Đây là một vị thuốc nổi tiếng trong Đông y, được sử dụng làm thuốc rất thông dụng ở Trung Quốc.

Đông y sử dụng bạch cương tàm điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau như: Ho, động kinh, rong kinh… 

Cách dùng điều trị động kinh: Bột bạch cương tàm 5g, nhộng tằm 15g, đường phèn 3g, nước 1 lít, đem rửa sạch rồi sắc nước uống hàng ngày.

Có thể nói rằng, dân gian có rất nhiều những cây thuốc nam điều trị động kinh (từ thực vật và động vật), nhưng thông dụng nhất vẫn là 6 vị thuốc cây câu đằng, cây tre ta, cây xấu hổ, sâm ô linh, xác ve sầu và bạch cương tàm. Đây là những kinh nghiệm dân gian quý giá góp phần làm phong phú hơn kho tàng dược liệu Việt Nam.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, người bệnh không nên tự chế biến làm thuốc, khi sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer