Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam

Cách đây 97 năm, ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh Niên – tờ báo cách mạng tiếng Việt đầu tiên. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn đánh giá cao vai trò của Báo chí cách mạng cũng như coi trọng việc rèn luyện đạo đức người làm báo.
21/06/2022 16:38

Sáng lập Báo Chí cách mạng Việt Nam

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước mất độc lập, nhân dân mất tự do, với tư duy độc lập tự chủ sáng tạo, kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, ngày 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, Người thanh niên xứ Nghệ đã lên tầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Trong quá trình hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, Người đã tập làm báo, sáng lập các tờ báo, dùng báo chí để tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản, đấu tranh đòi các quyền dân tộc cơ bản, giác ngộ nhân dân các dân tộc thuộc địa, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường cách mạng vô sản vào phong trào yêu nước Việt Nam…

Empty

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo

Để chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhằm tập hợp và giác ngộ đường lối cách mạng cho những thanh niên yêu nước Việt Nam. Đồng thời, sáng lập tờ báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội. Số báo đầu tiên xuất bản ngày 21/6/1925. Thanh niên là tờ báo cách mạng tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, góp phần quan trọng, chuẩn bị về mặt tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập 9 tờ báo (Báo Người cùng khổ - 1922; Quốc tế Nông dân - 1924; Thanh niên – 1925; Công nông – 1925; Lính kách mệnh – 1925; Thân ái – 1928; Tạp chí Đỏ - 1929; Việt Nam độc lập – 1941; Cứu quốc – 1942).

Người còn tham gia viết hơn 2.000 bài báo với nhiều thứ tiếng khác nhau (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nga, Thái…), sử dụng 150 bút danh, đăng trên hàng trăm tờ báo, tạp chí ở trong và ngoài nước. Đồng thời, Người còn chỉ đạo thành lập các cơ quan thông tấn báo chí như: Chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài tiếng nói Việt Nam), ngày 07/9/1945; Thành lập hãng Thông tấn Quốc gia (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 15/9/1945; Chỉ đạo ra Báo Nhân dân, năm 1951; Ký sắc lệnh quy định chế độ báo chí, tự do ngôn luận, ngày 14/12/1956, qua đó làm tiền đề cho việc ra đời các văn bản pháp luật về báo chí Việt Nam sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là người thầy vĩ đại của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, vừa là người sáng lập, vừa là người xây dựng, rèn luyện nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Để ghi nhớ công ơn to lớn của Người với Báo chí cách mạng Việt Nam, Ngày 05/02/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Khi đánh giá vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền Báo chí cách mạng Việt Nam, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí và giới báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên, Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vô sản của Đảng ta, khắc sâu trong tâm trí những người làm báo chúng ta" [1]

Rèn luyện đạo đức người làm báo

Không chỉ là người sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người rèn luyện Báo chí cách mạng Việt Nam, rèn luyện đạo đức người làm báo. Theo Người, làm báo chính là làm cách mạng, người làm báo là người làm cách mạng với một mục đích duy nhất là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Ngòi bút của người làm báo chính là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, góp phần đem lại cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc cho nhân dân. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. [2]

Empty

Chủ tịch Hồ Chí minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962 (Nguồn Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Người đưa ra 6 “nguyên tắc” đối với nhà báo, trước khi đặt bút viết, nhà báo cần phải suy nghĩ xem: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết về cái gì? Lấy tài liệu đâu mà viết? Cách viết thế nào? Viết rồi phải làm thế nào? [3].  Những thông tin phản ánh phải đảm bảo tính chân thực, tính thời sự, phải góp phần vào sự phát triển của cách mạng, vào "sự nghiệp phò chính, trừ tà", đem lại cuộc sống hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Là một người trọn đời hy sinh vì nước vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm, “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh” [4]. Trên mặt trận báo chí, Người luôn là tấm gương sáng ngời về ý thức tự trau dồi đạo đức, phong cách báo chí, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Theo Người, người làm báo phải là người có đạo đức cách mạng và luôn đặt đạo đức cách mạng lên hàng đầu: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động…”[5]

Người cán bộ báo chí cũng chính là những chiến sỹ cách mạng trên mặt trận đấu tranh chống kẻ thù nội xâm và ngoại xâm. Chính vì vậy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” [6].

Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ người làm báo đối với sự nghiệp cách mạng, cho nên dù bận "trăm công nghìn việc", trong bộn bề khó khăn của cách mạng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo, trong thời chiến cũng như trong thời bình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, năm 1949, Người đã chủ trương mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng - lớp viết báo đầu tiên của Việt Nam, đồng thời nhiều lần viết thư gửi cho lớp học nhắc nhở các học viên phải luôn chăm chỉ học tập, nghiên cứu tài liệu, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức người làm báo. Đồng thời cần phải xác định đúng mục đích, tôn chỉ, đối tượng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức... của một tờ báo cần phải có.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước yêu cầu của tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà báo nhằm tiếp tục phát huy vai trò của họ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước.

Người làm báo phải luôn có ý thức không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Phải giám chịu trách nhiệm trước những bài viết của mình, vượt khó đi lên, thường xuyên học tập, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cách mạng. “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập" [7].  Khi đặt bút viết, cần phải tôn trọng sự thật, phải trung thực khách quan, không bịa đặt, thêm bớt: “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn” [8]. Đồng thời luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thường xuyên tự kiểm điểm, sửa chữa để các bài viết ngày càng hoàn thiện phục vụ tốt nhất cho cách mạng và nhân dân như Bác từng nói: Thật thà tự phê bình và thành khẩn tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm của mình. Vì vậy, chẳng những chúng ta phải thực hiện mở rộng phê bình và tự phê bình trong Đảng và trong cơ quan chính quyền, mà chúng ta và đội ngũ những người làm báo cần phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân, của bạn đọc hơn bao giờ hết.

Đánh giá cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của báo chí, coi báo chí là một bộ phận không thể thiếu của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén góp phần thúc đẩy cách mạng phát triển không ngừng.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, báo chí là một lực lượng quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành những "lời hịch kháng chiến" kêu gọi đồng bào đoàn kết xung phong ra trận giết giặc lập công bảo vệ nền độc lập dân tộc. Thông qua báo chí, tố cáo tội ác và cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc thực dân, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè trên thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. 

Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới đất nước, Báo chí góp phần to lớn vào việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phản ánh hiện thực đời sống xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đồng thời đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm đúng đắn của Đảng, góp phần to lớn nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy quan hệ ngoại giao không ngừng phát triển...

Theo Người, báo chí chúng ta luôn chỉ có một nhiệm vụ xuyên suốt, đó là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” [9]. Báo chí phải phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước: “Báo chí của ta thì cần phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”[10]

Trong các bài viết, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của báo chí và đội ngũ người làm báo đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng – Nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí... Tháng 3/1952, trong Thư gửi các đại biểu Hội nghị cán bộ chính quyền toàn quốc lần thứ Năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Các đại biểu về địa phương: Tổ chức những Ban huấn luyện ít ngày, làm cán bộ từ khu đến xã thấm nhuần chính sách sản xuất và tiết kiệm (và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu), tức là thật sự tự phê bình và phê bình… Các báo chí phải theo dõi và tuyên truyền”[11]. Báo chí bên cạnh việc thẳng thắn phê bình những thói hư, tật xấu, cần phải có trách nhiệm khuyến khích, nêu gương những người tốt, việc tốt: “Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đó là một việc rất cần thiết”.

Để báo chí luôn phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng nói chung, Người yêu cầu mỗi tờ báo phải luôn đổi mới, tổ chức một cách hợp lý để tiết kiệm, chống lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân, nhưng hiệu quả, thiết thực: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”[12]. Người yêu cầu, khi đặt bút viết, người viết cần phải điều tra kỹ lưỡng để khen - phê sao cho đúng sự thật, đảm bảo tính khách quan và coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng: “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”[13]

Trong lịch sử nền Báo chí cách mạng Việt Nam 97 năm qua, báo chí và hầu hết đội ngũ những người làm công tác báo chí đều thực hiện đúng những nội dung cốt lõi chuẩn mực đạo đức nhà báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Báo chí và đội ngũ nhà báo, phóng viên đã trở thành cầu nối không thể thiếu giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Báo chí đã góp phần quan trọng tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho nhân dân, đồng thời phản ánh những kiến nghị của nhân dân lên các cơ quan nhà nước. Nhờ vậy, những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước có thể điều chỉnh bổ sung kịp thời phục vụ và đem lại lợi ích cho nhân dân.

Do vậy, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh đối với những người làm báo nói riêng, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung luôn mang tính thời sự và là nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

(1) Trường Chinh: Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.68.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.131.

(3) Sđđ, tập 7, tr.117-120.

(4) Sđđ, tập 4, tr. 64.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13 Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.466.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.616.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2005, tr.5- -52.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập Nxb CTQG, Hà Nội 2005, tr.118.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.171.

(10) Sđđ, tập 12, tr.166.

(11) Sđđ, tập 7, tr.374.

(12) Sđđ, tập 11, tr.363.

(13) Sđđ, tập 7, tr. 405.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương

comment Bình luận

largeer