Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Về nơi in dấu chân Người trên miền đất xứ Thanh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Nhiều địa danh mà Bác đến thăm hoặc dừng chân giờ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tới tham quan. Trong đó, Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông được xem như một địa chỉ đỏ, là nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên Bác về thăm xứ Thanh.
19/05/2025 14:50
Di tích Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông tại thành phố Thanh Hóa

Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông tại thành phố Thanh Hóa

Trong tiết trời ấm áp của những ngày tháng 5, phóng viên Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng tìm về Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, thuộc phường Rừng Thông, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa). Đây là nơi ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm xứ Thanh, chỉ sau 2 tháng kể từ khi Người ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Ngược dòng lịch sử, trong những ngày tháng vô cùng căng thẳng, khi cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20/2/1947, Bác Hồ đã về thăm Thanh Hóa lần thứ nhất. Tại đây, trên sườn đồi Rừng Thông, Bác đã có 3 cuộc họp và gặp gỡ với các cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa cùng đại biểu các dân tộc, tôn giáo địa phương.

Đài tưởng niệm Bác Hồ trong khu di tích

Đài tưởng niệm Bác Hồ trong khu di tích

Tại cuộc gặp gỡ với đại diện cán bộ và Nhân dân Thanh Hóa, Bác đã nói về đạo đức của người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng và chủ trương kháng chiến của Đảng, động viên Nhân dân tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến.

Bác bày tỏ mong muốn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh “kiểu mẫu”. “Thanh Hóa muốn trở thành một tỉnh 'kiểu mẫu' nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Xây dựng tỉnh 'kiểu mẫu' trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước, làm một người 'kiểu mẫu', một nhà 'kiểu mẫu', một làng 'kiểu mẫu', một huyện 'kiểu mẫu', một tỉnh 'kiểu mẫu'...”.

Lời căn dặn của Bác Hồ đã trở thành nguồn động lực to lớn, để quân và dân Thanh Hóa phấn đấu, nỗ lực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đường lên đài tưởng niệm Bác Hồ trong khu di tích

Đường lên đài tưởng niệm Bác Hồ trong khu di tích

Với ý nghĩa quan trọng, năm 1989, Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung tay xây dựng Đài tưởng niệm Bác Hồ, đặt trên dãy núi Phượng Lĩnh. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, công trình được thực hiện với tấm lòng biết ơn và thành kính Bác vô hạn của Đảng bộ và Nhân dân xứ Thanh. Để hoàn thành công trình đài tưởng niệm, 230 tấn bê tông và 110 tấn vật liệu các loại đã được đưa lên lưng chừng đồi trong điều kiện thi công gấp rút và phương tiện thi công hạn chế của năm 1990.

Đến nay, Di tích Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đường lên tượng đài được xây bậc đá, có lan can và các chiếu nghỉ hợp lý, vừa đảm bảo tính mỹ thuật, thích ứng cảnh quan, vừa thuận tiện cho người dân đến hành lễ.

Đài tưởng niệm Bác Hồ trong khu di tích là nơi người dân thường xuyên đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm. Các hoạt động báo công dâng Bác, lễ kết nạp đội viên, đoàn viên, giáo dục truyền thống… cũng thường xuyên được tổ chức tại đây với niềm biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ban thờ Bác trong Ban Quản lý Di tích Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông

Ban thờ Bác trong Ban Quản lý Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông

Đại diện Ban Quản lý Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông cho biết, để gìn giữ giá trị của di tích, hàng năm, Ban Quản lý Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông ký chương trình phối hợp với Đoàn Thanh niên, Phòng Giáo dục và Đào tạo, với các trường học trên địa bàn để tổ chức cho thầy cô giáo, các em học sinh đến tham quan, báo công, tổ chức các chương trình kết nạp đoàn, kết nạp đội cho học sinh, các chương trình tìm hiểu lịch sử, giá trị y nghĩa của di tích.

Gần 80 năm trôi qua, kể từ lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, lời dạy của Người vẫn âm vang hồn sông núi, là động lực mạnh mẽ, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đoàn kết, chung sức chung lòng, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một tỉnh “kiểu mẫu” như mong ước của Người lúc sinh thời.

Mạnh Linh (thực hiện)

comment Bình luận