Bài 1: Công ty Quốc tế HT Natural phân phối sản phẩm mỹ phẩm, viên uống nhãn hiệu Zikii không phép

Các sản phẩm mang nhãn hiệu Zikii được giới thiệu, quảng cáo có công dụng đánh bay nám, điều trị nám, đánh bay mỡ… với slogan “chạm tay bay nám”. Thế nhưng, những sản phẩm này lại chưa được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, thông qua thực hiện thủ tục công bố theo quy định.
06/10/2022 16:43

Mới đây, Tòa soạn Sức Khỏe Cộng Đồng tiếp nhận thông tin của chị Ánh Kim – Long Biên, Hà Nội. Chị Kim chia sẻ, do mặt chị bị nám, đồi mồi khiến chị không tự tin về mặt thẩm mỹ, nên chị đã tìm hiểu, kỳ vọng sẽ mua sản phẩm tốt nhất có thể cải thiện được tình trạng nám của mình. Lướt mạng chị Kim bắt gặp hàng loạt trang faebook quảng cáo về sản phẩm Zikii, với công dụng có thể đánh bay nám, điều trị nám,… kèm với đó là slogan “chạm tay bay nám”.

zikii3

Sản phẩm viên uống trắng da, bay nám mà chị Kim mua từ bà Hằng - Boss Zikii

Để thận trọng hơn, tránh mua phải sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng, chị Kim đã tìm đến Facebook có tên Phạm Thanh Hằng, chị Kim cho biết: “Theo tư vấn của Hằng, dùng sản phẩm viên nám sẽ cải thiện nhanh lắm… Tôi mua sản phẩm của bạn này vì tin thưởng và biết bạn ý cũng nổi tiếng, khi thấy báo chí viết, Hằng là Á hậu 3 – Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, là Chủ tịch công ty DV–TM–QT Haleys Group Việt Nam, là đơn vị chuyên sản xuất, phân phối các dòng mỹ phẩm làm đẹp và sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng. Nhưng mua sản phẩm về tôi uống được tầm 1 tuần, thì ngày nào tôi cũng bị đi ngoài, báo với Hằng thì bạn ấy bảo theo dõi xem sao, dừng uống sản phẩm thì tôi khỏi. Dừng được 2 ngày, tôi uống tiếp, thì tình trạng tiêu chảy lại tiếp diễn, nên tôi đã dừng hẳng và kết quả tôi không còn bị tiêu chảy nữa. Điều này khiến tôi nghi ngờ chất lượng sản phẩm không đảm bảo”.

Pham thanh hang zikii

Trang Facebook Phạm Thanh Hằng người đã tư vấn, bán sản phẩm Zikii cho chị Kim 

Từ phản ánh của chị Kim, phóng viên tìm hiểu thông tin được biết, nhãn hàng Zikii đang được phân phối vào các spa, thẩm mỹ với hình thức tổ chức giới thiệu tư vấn sản phẩm thông qua các buổi đào tạo “không phép” ở các spa, thẩm mỹ tại địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh khác…  Đơn vị phân phối các sản phẩm Zikii tại Việt Nam là Công ty CP Thương mại Quốc tế HT Natural, đại diện pháp lý là bà Lê Thị Ánh Tuyết.

Theo lời giới thiệu của bà Ánh Tuyết và hệ thống phân phối của Công ty HT Natural, thì sản phẩm mang nhãn hiệu Zikii gồm các dòng tinh chất điều trị nám, kem bôi trị nám, viên uống trắng da trị nám…

zikii

 Bà Ánh Tuyết giới thiếu sản phẩm Zikii tại môt buổi đào tạo 

zikii..

 Những buổi đào tạo không phép để tư vấn, giới thiệu sản phẩm không phép

Ngày 22/9/2022, phóng viên liên hệ với Cục An toàn thực phẩm, đại diện Cục này cho biết: “Cục chưa phê duyệt hồ sơ, cấp phép cho sản phẩm nào mang nhãn hiệu Zikii như phóng viên cung cấp. Luật đã quy định rất rõ việc các doanh nhiệp bắt buộc phải thực hiện thủ tục công bố số lưu hành, và phải được Cục phê duyệt, cấp phép lưu hành mới được phép bán ra thị trường”.

Tham chiếu, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm đã quy định rất rõ về việc thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép sản phẩm, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường:

Điều 21 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố sản phẩm nếu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm…

Điều 21. Vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm;

b) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mà chưa đến mức là hàng giả theo quy định của pháp luật.

 2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b)Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ tiếp tục thông tin….

Bình Minh

comment Bình luận

largeer