Báo động vấn nạn làm đẹp “chui”

Nhu cầu làm đẹp của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Từ nông thôn đến thành thị, các dịch vụ theo đó mọc lên như nấm dưới dạng: spa, thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ... thị trường ngành làm đẹp đang có nhiều biểu hiện hỗn loạn, cần có những biện pháp quyết liệt loại bỏ triệt để tình trạng “phẫu thuật chui” tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cộng đồng.
03/02/2023 11:15

Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng với tất cả mọi người, điều quan trọng hiện nay là cơ quan quản lý làm sao, để định hướng cho người dân đi làm đẹp một cách an toàn, những cơ sở có đầy đủ pháp lí và kinh nghiệm, để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho khách hàng.

Điểm qua thị trường làm đẹp ở TP. HCM, bước ra đường là thấy cơ sở làm đẹp và chất lượng thì "vàng thau lẫn lộn". Không chỉ có các tiệm làm đẹp ngoài đời thực, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ còn chào mời trên mạng như cái chợ. Điều lạ hơn nữa là ai cũng quảng cáo mình là chuyên gia làm đẹp và cam kết chất lượng, pháp lí đầy đủ.

Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu như: Nhấn mí mắt, nâng mũi, tạo lúm đồng tiền..., không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực…

c9

Ảnh minh họa

Còn những cơ sở làm đẹp chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da, không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Xăm mắt, môi, lông mày…

Quy định rõ ràng là vậy nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, có rất nhiều cơ sở làm đẹp, gắn biển hiệu thẩm mỹ viện, để đánh lừa khách hàng.

Hơn nữa hiện nay, các trang web, facebook, fanpage chính là kẽ hở để các cơ sở làm đẹp quảng cáo thổi phồng sự thật. Trên các hội, nhóm mạng xã hội về phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều khách hàng bức xúc, “bóc phốt” hay “tố” các dịch vụ không được như ý tại nhiều thẩm mỹ viện. Nhiều người rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Thậm chí, không ít khách hàng chia sẻ, có thẩm mỹ viện dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động, nhưng cơ sở này vẫn ngang nhiên mở cửa, bất chấp luật pháp. Rõ ràng, ở đây trong công tác quản lý vẫn còn nhiều lỗ hổng. chi H.T.T ở Tân Bình cho biết: “Nghe em gái giới thiệu, mình tới cơ sở X xăm môi, tới nơi xăm là căn hộ chung cư gia đình vừa ăn ở, vừa là nơi làm đẹp. Tin tưởng em mình giới thiệu nên đã xăm, sau đó 3 ngày môi mình bị phù lên như 2 quả chuối đắp lại, khiếp vía, chạy tới bệnh viện bác sỹ nói bị nhiễm trùng phải rửa sát khuẩn và tiêm thuốc kháng sinh cả tuần. Mình quá sợ hãi vì không tìm hiểu kỹ chất lượng và pháp lí của cơ sở này...”.

Nhiều năm qua, có quá nhiều nạn nhân tử vong vì phẫu thuật “kín”, “chui” của những người hành nghề chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi tính mạng khách hàng.

Công nghệ ngày càng phát triển, mặt trái đó là sự quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội, khiến cho người dân bị bão hòa thông tin, không phân biệt được chất lượng dịch vụ của các cơ sở làm đẹp, không thẩm định tính pháp lí trước khi giao tính mạng để làm đẹp.

Các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp quản lí chặt chẽ quy trình treo bảng hiệu, hành nghề của các cơ sở làm đẹp. Kiểm tra, quản lí chặt chẽ những địa điểm “làm chui” các dịch vụ ngoài phạm vi cho phép.

Cần thiết sự vào cuộc tuyên truyền rộng rãi của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo đài, truyền thông, để lan tỏa các thông tin cảnh báo cho mọi người dân hiểu biết hơn về các văn bản quy định của pháp luật về ngành làm đẹp, để nhận diện được các cơ sở uy tín, chất lượng, đầy đủ tính pháp lí hành nghề, hạn chế những rủi ro về sức khỏe, tài sản và tính mạng.

Chu Loan

comment Bình luận

largeer