Bảo tồn, phát triển và sử dụng dược liệu vì sức khỏe cộng đồng tại Yên Bái

Yên Bái là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển cây dược liệu. Với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phù hợp trồng các loại cây dược liệu. Qua khảo sát của Hội Đông y tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 630 loài cây thuốc được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh.
16/12/2022 16:16

Nhân dân trong vùng đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất các cây dược liệu, từ khâu trồng đến chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Xu hướng sử dụng các loại cây, con có nguồn gốc tự nhiên để chế biến, sản xuất ra các sản phẩm chức năng, các loại thuốc chữa bệnh hiệu quả với chi phí thấp ngày càng được quan tâm. Thực tế tại địa phương cho thấy, giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Ở một số huyện trong tỉnh, cây dược liệu đã mang lại hiệu quả kính tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại thu nhập lớn cho nhân dân.

Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái xác định phát triển cây dược liệu là chủ trương định hướng lớn của Đảng và Chính phủ, là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng giá trị từ rừng, tăng thu nhập cho người dân sống từ rừng.Trên cơ sở chủ trương định hướng phát triển cây dược liệu của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương chính sách như Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 02/5/2017; Kế hoạch số 206/KH-UB ngày 8/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển cây dược liệu tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025: Phát triển cây dược liệu hàng hóa theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường. Xác định tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên khoảng 10.300 ha, chủ yếu trồng dưới tán rừng tự nhiên; Nghị quyết số 69/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về Một số chính sách phát triển sản xuất Dược liệu tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Điều kiện được hưởng hỗ trợ: Có dự án sản xuất dược liệu được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Dự án có diện tích trồng mới từ 5 ha trở lên. Hỗ trợ một lần 70% chi phí mua cây giống và phân bón cho diện tích trồng mới dược liệu. Mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/ha. 

c1

(Ảnh minh họa)

Trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu.

 Cần có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm phát huy lợi thế của Yên Bái - một tỉnh miền núi còn nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn nuôi trồng, thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu. Ưu tiên bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đang triển khai thực hiện để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn có phát triển dược liệu.

BS. Đào Thị Ngọc Lan

comment Bình luận

largeer