Bảo vệ sức khỏe tâm lý cho trẻ em phải cách ly tập trung vì COVID-19

Việc phải đi cách ly, tiếp xúc với các thông tin về tình hình dịch bệnh, hay gián đoạn các thói quen sinh hoạt thường ngày và hạn chế giao tiếp có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tâm lý của trẻ.
20/05/2021 17:22

 

Trẻ em với những tác động nghiêm trọng về tâm lý

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhằm phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, những trường hợp có liên quan đến COVID-19 được tiến hành tập trung tại các cơ sở cách ly.

Trong đó, số trẻ em phải tới cách ly tập trung tiếp tục tăng lên, có nhiều trẻ lần đầu tiên xa gia đình, bố mẹ, trẻ gặp phải nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới. Do đó, bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh, các em còn có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về tâm lý.

Theo PGS.TS, Chuyên gia tâm lý Trần Thu Hương, trẻ em ở mỗi độ tuổi sẽ có những phản ứng tâm lý khác nhau.

“Đối với trẻ nhỏ từ 5 tuổi đến dưới 13 tuổi, việc kết nối với bố mẹ là điều rất quan trọng, khi trẻ phải xa gia đình và sinh hoạt trong một môi trường xa lạ, đặc biệt liên quan đến bệnh tật, có nguy cơ bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm cho người khác, thì cảm giác bất an, mất an toàn, lo lắng, hoảng hốt là những trạng thái tâm lý thường gặp ở trẻ” - Chuyên gia tâm lý Trần Thu Hương cho biết.

e5

Hình ảnh em bé tại khu cách ly tập trung ở Điện Biên. Ảnh: Trang Nguyễn (xã Mường Pồn)

Bên cạnh đó, trẻ có thể trải qua những cảm xúc và phản ứng tiêu cực như chán ăn, gặp ác mộng, tè dầm, khép mình hoặc trở nên hung hăng, sợ phải ở một mình hoặc xuất hiện những nỗi sợ mới, cư xử “trẻ con” hơn độ tuổi của trẻ, giảm bớt hứng thú với các hoạt động vui chơi, buồn bã, khóc nhiều hơn, hay những vấn đề về sức khỏe như đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ,...

Cần làm gì để bảo vệ trẻ?

Theo khuyến nghị của UNICEF Việt Nam - Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc, sự chuẩn bị về mặt tâm lý và chăm sóc trẻ đúng cách trong môi trường cách ly tập trung là yếu tố quan trọng, nhằm đẩy lùi nguy cơ hình thành các vấn đề tâm lý ở trẻ.

Cha mẹ cần giải thích cho trẻ lý do phải tham gia cách ly, chia sẻ cho trẻ kỹ năng để chung sống và thích nghi trong một môi trường mới, cùng trẻ xây dựng các tình huống, các kịch bản có thể xảy ra đối với trẻ.

e6

Trẻ em tại khu cách ly tập trung ở Điện Biên. Ảnh: Trang Nguyễn (xã Mường Pồn)

Đối với những thông tin liên quan đến dịch bệnh, cần chọn lọc thông tin chính thống, hướng dẫn trẻ tiếp cận những thông tin mang thái độ tích cực khi ứng phó với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, trẻ cần được hiểu, nhân viên của cơ sở cách ly đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để giữ cho trẻ khỏe mạnh và an toàn và luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào trẻ cần. Khuyến khích các thói quen lành mạnh ở trẻ, duy trì các hoạt động thường xuyên của trẻ tại cơ sở.

Nhân viên cơ sở cần đánh giá các nhu cầu đặc biệt và xác định các trường hợp trẻ em có dấu hiệu bị căng thẳng nghiêm trọng do chấn thương tâm lý hoặc mất mát. Kiên nhẫn thấu hiểu trẻ. Chú ý thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của các nhóm trẻ đặc biệt, như trẻ khuyết tật. Cần tạo ra một môi trường sống tích cực, an tâm xung quanh trẻ.

THÙY LINH

comment Bình luận

largeer