Bé trai tử vong vì bị mèo cào: Hồi chuông cảnh báo từ bệnh dại – Đừng xem thường những vết trầy xước nhỏ

Một bé trai 11 tuổi ở tỉnh Lào Cai vừa tử vong thương tâm do nhiễm virus dại, nguồn lây không phải từ chó như thường thấy mà là từ chính... con mèo trong nhà. Cái chết bất ngờ của em là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về mức độ nguy hiểm của bệnh dại – căn bệnh có tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối nếu không được xử trí kịp thời.
11/07/2025 07:13

Theo thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng co giật, sợ nước – những dấu hiệu điển hình của bệnh dại ở giai đoạn cuối. Dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, em đã không qua khỏi sau hơn một giờ. Nguyên nhân được xác định là do em bị mèo cào trước đó nhưng không được tiêm phòng dại, cũng như không xử lý đúng cách vết thương.

Điều đáng lo ngại là không ít người vẫn nghĩ rằng bệnh dại chỉ lây qua vết chó cắn. Trên thực tế, virus dại có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, vết cào hoặc liếm lên vùng da tổn thương từ các loài động vật có mang mầm bệnh như chó, mèo, dơi, chồn…. Trường hợp của bé trai tại Lào Cai một lần nữa khẳng định rằng mèo cũng có thể là nguồn lây dại nguy hiểm.

Virus dại sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công hệ thần kinh trung ương. Tùy vào vị trí vết thương, lượng virus và sức đề kháng của cơ thể, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ vài ngày đến hơn một năm. Nhưng một khi đã xuất hiện các triệu chứng như sợ nước, co giật, kích động…, gần như không có cách điều trị hiệu quả và bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Không nên chủ quan trước những vết xước nhỏ do mèo cắn, vì nó có thể tiềm ẩn những nguy cơ bị bệnh dại.

Không nên chủ quan trước những vết xước nhỏ do mèo cắn, vì nó có thể tiềm ẩn những nguy cơ bị bệnh dại.

Cần làm gì để phòng bệnh dại?

1. Chủ động phòng ngừa:

Tiêm vaccine dại đầy đủ cho chó, mèo – đặc biệt là các vật nuôi có tiếp xúc gần với trẻ em.

Không để vật nuôi thả rông, tránh để tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc vật nuôi lạ.

2. Xử trí kịp thời khi bị cào hoặc cắn:

Rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong ít nhất 15 phút bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn.

Đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại đúng quy trình – dù là vết trầy xước nhỏ cũng không được chủ quan.

3. Nâng cao nhận thức cộng đồng:

Phổ biến kiến thức về bệnh dại và các đường lây truyền không chỉ trong trường học, mà còn tại các hộ dân nuôi thú cưng. Không nên để trẻ em chơi với chó mèo khi không có người lớn giám sát.

Vụ việc bé trai 11 tuổi vì bị mèo cào không chỉ là một bi kịch đau lòng mà còn là lời cảnh báo nghiêm khắc tới cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại. Trong khi chúng ta còn xem nhẹ các vết thương nhỏ và coi việc tiêm phòng là không cần thiết, thì virus dại có thể âm thầm tấn công và cướp đi sinh mạng bất kỳ lúc nào. Hãy cảnh giác – bởi phòng bệnh luôn dễ hơn chữa bệnh, đặc biệt với một căn bệnh gần như không có cơ hội cứu chữa như bệnh dại.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận