Bệnh nhân đầu tiên chữa khỏi HIV vừa qua đời vì ung thư

Ông Timothy Ray Brown - người đầu tiên được chữa khỏi HIV đã bị tái phát ung thư máu vào năm 2019 và qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo này.
27/09/2020 09:57

Đài ABC tại Australia đưa tin Timothy Ray Brown, người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV, qua đời. Theo kênh KPIX-TV, ông Timothy tử vong vì ung thư máu. Năm ngoái, bệnh bất ngờ trở nặng và mới đây, ông Timothy đã không qua khỏi.

Timothy Ray Brown còn được gọi là “bệnh nhân Berlin” - cái tên gắn với nơi ông sống khi không muốn công khai danh tính.

Năm 1990, Timothy làm phiên dịch viên ở Đức và phát hiện nhiễm HIV. Sau đó, năm 2006, ông được chẩn đoán mắc ung thư máu. Cho đến thời điểm ghép tủy vào năm 2007-2008, ông chống chọi cùng lúc với 2 bệnh hiểm nghèo.

Nhiều năm sau khi khỏi HIV, cơ thể của người đàn ông 54 tuổi không còn biểu hiện của bệnh. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với AP năm 2019, ông chia sẻ ung thư bất ngờ tái phát và đã di căn sang nhiều cơ quan khác. Sức khỏe của ông Timothy yếu đi nhanh chóng.

Dù vậy, người đàn ông này vẫn lạc quan: “Tôi vui vì đã được cấy ghép tủy xương. Nó mở ra cánh cửa chưa từng có trong cuộc đời”. Các chuyên gia đánh giá trường hợp người đầu tiên được chữa khỏi HIV đã truyền cảm hứng cho giới y khoa nỗ lực hơn nữa tìm cách điều trị căn bệnh này.

ad602610_b265_4802_a2a0_9319a0b884aa_Timothy_Brown_AP

Ông Timothy Ray Brown - bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV trên thế giới - qua đời vì ung thư máu ở tuổi 54. Ảnh: AP.

Năm 2007, ca cấy ghép tủy đầu tiên của Timothy chỉ thành công một phần. Các virus HIV biến mất nhưng bệnh ung thư máu vẫn còn. Do đó, một năm sau, bệnh nhân được ghép tủy lần thứ 2. Kết quả các tế bào u ác tính không còn.

Sau nhiều lần xét nghiệm khác, các bác sĩ kết luận Timothy Ray Brown là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới khỏi HIV. Họ đã nhiều lần thử cách chữa trị cho Timothy trên các bệnh nhân HIV/AIDS khác nhưng hầu như đều thất bại.

Tiến sĩ Steven Deeks, chuyên gia về AIDS tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, đồng thời là bác sĩ nghiên cứu trường hợp của Timothy, chia sẻ bệnh nhân này luôn sẵn sàng cống hiến cho y học khi cần. Mark King, người điều hành dự án kết nối những người nhiễm HIV trên thế giới, bày tỏ sự biết ơn với “bệnh nhân Berlin”. Theo Mark King, Timothy là “một người đàn ông tốt bụng, khiêm tốn và không bao giờ đòi hỏi quyền lợi cá nhân”.

Năm 2020, một người đàn ông ở Brazil được cho là bệnh nhân đầu tiên chữa khỏi HIV mà không cần ghép tủy xương nhờ sử dụng một số loại thuốc chống virus mạnh như maraviroc và dolutegravir.

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer