Bệnh nhân ung thư có được tiêm phòng vaccine COVID-19 không?

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều hậu quả nặng nề đến sức khỏe của con người và cuộc sống, kinh tế - xã hội. Sáng nay, 8/3, 3 tỉnh thành phố của nước ta chính thức đi vào chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Vậy, bệnh nhân ung thư có được tiêm phòng vaccine COVID-19 không?
08/03/2021 09:06

Ngày 24/2, đợt 1 vaccine đầu tiên có 117.000 liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam, tiếp theo là 6 đợt nữa cho đến đến hết quý II.2022. Tổng cộng, Việt Nam sẽ nhập khẩu là 4,8 triệu liều vaccine phục vụ cho việc tiêm chủng trong nước.

Sáng nay, ngày 8/3, nước ta chính thức bước vào ngày tiêm chủng đầu tiên tại 3 tỉnh thành phố là Hải Dương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc tiêm chủng sẽ được giám sát bởi các đoàn công tác của Bộ Y tế. 

vaccine

Hình minh họa.

Đối tượng ưu tiên trong đợt này bao gồm nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, người truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng. Trước đó, Bộ Y tế cho biết, đợt này khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi trên toàn quốc.

Trước chiến dịch tiêm chủng quy mô này, những đối tượng nào được tiêm, trong đó, nhiều thắc mắc xoay quanh câu hỏi: Bệnh nhân ung thư có được tiêm phòng COVID-19 không? Trong khi, theo số liệu của GLOBOCAN 2020 (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới công bố, mỗi năm nước ta ước tính có hơn 182.000 ca ung thư mới mắc, hơn 122.000 ca tử vong và hiện có khoảng hơn 353.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.

Trả lời về vấn đề này trên báo chí trước đó, TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện K cho biết: "Cho đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy vaccine COVID 19 không hiệu quả và thiếu an toàn trên bệnh nhân ung thư".

Cũng theo phân tích của TS.BS Nguyễn Tiến Quang, bệnh nhân ung thư hệ thống miễn dịch cơ thể suy giảm, tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ kém hơn do ảnh hưởng của bệnh ung thư và các phương pháp điều trị tích cực bệnh ung thư. Do vậy, bệnh nhân ung thư cũng như các bệnh nhân có các bệnh lý nền khác, nằm trong nhóm khuyến cáo tiêm phòng COVID-19. 

Bệnh nhân ung thư đang điều trị có thể được tiêm vaccine COVID-19 miễn người bệnh không có chống chỉ định hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc. Tiêm phòng không làm ảnh hưởng đến liệu trình điều trị ung thư cũng như không giảm hiệu quả của vaccine. Đối với những bệnh nhân hoá trị phác đồ đa thuốc, liều cao hoặc ghép tế bào gốc tạo máu, khuyến cáo nên trì hoãn tiêm chủng vaccine COVID-19. Bệnh nhân đang điều trị corticorsteroid, cũng là một liệu pháp ức chế miễn dịch, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19.

Về các trường hợp khuyến cáo chống chỉ định tiêm vaccine COVID-19, trả lời trên VTV, TS.BS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng chỉ ra các đối tượng như:

- Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái khó thở.

- Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn IV, suy giảm miễn dịch nặng): Chống chỉ định tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực.

Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Thủy Tiên (tổng hợp)

 

 

comment Bình luận

largeer