Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận điều trị 1 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore

Vừa qua, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Đ.V.S, 56 tuổi (địa chỉ xã Sập Xa, huyện Phù Yên) do mắc căn bệnh Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tổn thương đa dạng, hoại tử nhiều cơ quan, làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
15/08/2023 16:16

Qua khai thác bệnh sử được biết, người bệnh có tiền sử đái tháo đường, vào Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên thăm khám sau khi xuất hiện sốt nóng từng cơn kéo dài liên tục 5 ngày. Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị trong thời gian hơn 1 tháng với chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La khi kết quả điều trị có tiến triển.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hết sốt nhưng rất mệt mỏi, ăn uống, ngủ kém, áp xe cơ cánh tay (P), được chẩn đoán nhiễm bệnh Melioidosis (Whitmore) /Viêm gan B/ Đái tháo đường type II. Hiện các bác sĩ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, truyền kháng sinh kết hợp truyền dịch và điều trị đái tháo đường, thay băng vết thương hàng ngày.

y

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân

Whitmore là căn bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle tồn tại trong nước và đất ô nhiễm gây ra. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh nếu lây nhiễm trực tiếp với nguồn bệnh như nhiễm trùng do hít phải bụi bẩn hoặc giọt nước bị nhiễm bẩn, uống phải nguồn nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da. Nguyên nhân là do mùa mưa lũ triền miên, bùn đất bẩn tích tụ tạo môi trường thuận lợi cho các loài vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm, trong đó có vi khuẩn Whitmore trú ẩn và sinh sôi.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khoa Truyền nhiễm đưa ra khuyến cáo phòng bệnh Whitmore như sau:

Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch hay người có vết thương ngoài da có nguy cơ mắc bệnh melioidosis cao hơn, nên tránh tiếp xúc với đất và vũng nước đọng.

Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất và nước, đặc biệt là môi trường ô nhiễm phải mang găng tay, ủng không thấm nước và vệ sinh dụng cụ bảo vệ thường xuyên.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La

comment Bình luận

largeer