Bếp An Yên: Trao yêu thương, nhận lại nụ cười

Tại đường Cầu Bươu (quận Hà Đông, Hà Nội), cứ mỗi thứ tư và chủ nhật hàng tuần, những tình nguyện viên lại tụ tập tại căn bếp nhỏ mang tên Bếp An Yên để chuẩn bị hàng trăm suất cơm "0 đồng" gửi đến các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
14/07/2024 17:27

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2023, căn bếp nhỏ trên đường Cầu Bươu, Hà Đông, Hà Nội là nơi mang đến hàng trăm suất ăn miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô. Đều đặn vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần, hàng chục thiện nguyện viên lại có mặt tại bếp cơm thiện nguyện An Yên, tất bật chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, cùng nhau làm công việc thầm lặng nhưng chứa đầy tình yêu thương.

bepanyen

Những thành viên tại Bếp An Yên luôn tràn đầy năng lượng tích cực

Trải lòng về lí do thành lập Bếp An Yên, chị Nguyễn Thị Vân, chủ nhân bếp cho biết: "Tôi ấp ủ ước mơ thành lập bếp ăn từ thiện từ 10 năm trước và giờ đã trở thành hiện thực. Lý do thành lập bếp cũng bởi vì chữ duyên, tôi luôn có một xúc cảm đặc biệt, khó tả trước những mảnh đời bất hạnh".

Theo chị Vân chia sẻ, mới đầu thành lập, bếp ăn chỉ phát được 100 - 150 suất bởi thiếu nguồn kinh phí và ít nhân lực. Sau đó, nhờ các kênh truyền thông, nhóm được biết đến rộng rãi hơn và tìm được thêm nhiều bạn đồng hành. Hiện Bếp An Yên có thể cung cấp 500 - 600 suất ăn mỗi ngày.

Để chuẩn bị những phần cơm, các thành viên của bếp đã phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế từ đầu giờ chiều. Những suất cơm sau khi được hoàn thiện và đóng gói cẩn thận, sẽ được các thành viên phát tận tay tới từng bệnh nhân. Giá trị mỗi suất cơm tuy không lớn, nhưng đủ để cho các bệnh nhân cảm nhận được sự sẻ chia, lòng nhân ái.

anyen

Các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xếp hàng nhận cơm tại Bếp An Yên

Được biết, nguồn kinh phí được thành viên tự đóng góp hoặc kêu gọi, vận động từ các mạnh thường quân qua Facebook, Zalo, kênh TikTok của nhóm. Có người tài trợ tiền mặt, có người góp gạo, góp thực phẩm sạch. Thường kỳ, nhóm lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các hoạt động đều công khai minh bạch, những khoản vận động, đóng góp cũng như chi tiêu.

Chị Vân cho biết thêm, trước khi lên thực đơn mỗi buổi, Bếp An Yên sẽ xin ý kiến từ các bác sĩ, chuyên gia an toàn thực phẩm để biết bệnh nhân ăn gì, kiêng gì. Mỗi nhóm bệnh nhân có thực đơn riêng để phù hợp với tình trạng điều trị của người bệnh, nhưng vẫn phải đáp ứng các tiêu chí: Ngon, sạch và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bếp "nói không" với đồ đông lạnh, các món đều do nhóm tự nấu, không phẩm màu, không chất bảo quản.

anyen1

Thành viên Bếp An Viên tất bật chuẩn bị các xuất cơm

Có lẽ, chính sự tận tâm, chu đáo đó mà Bếp An Yên nhận được rất nhiều sự ủng hộ thiết thực. Từ khi hoạt động, hàng trăm thiện nguyện viên từ những cô bác đã nghỉ hưu, tới những bạn học sinh, sinh viên còn rất trẻ, đều lựa chọn căn bếp làm “ngôi nhà chung” để cùng san sẻ tình yêu thương và lòng nhân ái.

Nói thêm về dự định của bản thân, chị Vân chỉ cười và đáp: "Hiện tại, tôi chưa có dự định gì nhiều, chỉ mong có thể tiếp tục duy trì bếp, giúp đỡ thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Hy vọng rằng, Bếp An Yên sẽ trở thành một trong những niềm sẻ chia lớn lao với mọi người. Dù không thể giúp người bệnh được nhiều, nhưng mong rằng, sẽ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh bằng chính khả năng của mình".

Có thể thấy rằng, giữa Thủ đô tấp nập, tại một góc nhỏ vẫn còn đâu đó những người hàng tuần tất bật, chuẩn bị chu đáo những xuất cơm nóng hổi, phát cho những bệnh nhân tại các bệnh viện. Hình ảnh này trở thành nét đẹp khó tả, tỏa sáng giữa bộn bề cuộc sống của người dân. Hy vọng rằng, Bếp An Yên sẽ tiếp tục duy trì hoạt động, sẻ chia tới các bệnh nhân. Và điều mà Bếp An Yên được nhận lại, đó chính là những lời cảm ơn, những nụ cười. Đây có lẽ chính là động lực để các thành viên tiếp tục giữ lửa cho Bếp An Yên.

Thu Trang. Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer