Bị hoại tử chỏm xương đùi do liên quan đến rượu

Một thống kê mới đây tại BV Hữu nghị Việt Đức cho thấy, trong số các bệnh nhân phẫu thuật hoại tử chỏm xương đùi thì tỷ lệ uống rượu ở độ tuổi trẻ (dưới 40) chiếm tới 99,84%. Trong số các tác hại của rượu/bia có yếu tố được nhắc đến là gây loãng xương-đây là một trong các nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi.
22/10/2020 12:23

Bác sỹ Trần Hoàng Tùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chi dưới, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết,  theo các thống kê từ các năm trước 2020, hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng hay gặp ở độ tuổi trên 60 tuổi, thậm chí là trên 70 tuổi, nhưng gần đây đáng báo động là số lượng người bệnh phải mổ thay 1 hoặc 2 bên khớp háng lại tập trung lớn ở độ tuổi lao động chính dưới 40 tuổi.

Chỉ tính riêng khoa Phẫu thuật chi dưới (chân), là 1 trong 5 khoa thực hiện kỹ thuật mổ thay khớp háng tại BV Việt Đức, trong 3 năm từ 2017-2019 đã mổ thay khớp háng cho 1.274 người bệnh. Số lượng người bệnh phải mổ thay khớp háng tăng nhanh, năm 2019 tăng trên 166,5% so với hai năm 2017 và 2018.

0158_uong_ruou_bia

Trong tổng số 1.274 bệnh nhân thì có tới 70,17 % người bệnh ở độ tuổi từ 18-60 tuổi, chủ yếu là nam giới (78,97%). Trong số này nhóm độ tuổi trung niên 30-40 tuổi.  Báo động hơn nữa là thoái hóa khớp háng nặng buộc phải thay khớp ở nhóm người bệnh trẻ tuổi từ 18-40 tuổi (trẻ nhất là 26 tuổi đã phải thay khớp háng) chiếm tới 21,01%, tăng rất cao so với các thống kê trước đó và chủ yếu là nam giới.

Điều đặc biệt là trong nhóm người bệnh trẻ tuổi này (dưới  40 tuổi) khi được hỏi có uống rượu, bia thường xuyên hàng tuần hoặc hàng ngày không thì có tới 99,84% số trường hợp trả lời là “có”. Tỷ lệ uống rượu này cũng rất cao ở nhóm người bệnh trung niên (41-60 tuổi) là 72,11%. Càng bất ngờ hơn nữa là có tới 61 trường hợp (4,79%) buộc phải thay khớp háng ở độ tuổi thanh niên (18-30 tuổi) có liên quan đến uống rượu, bác sỹ Tùng nêu.

Một con số đáng lưu ý nữa là trong số những người bệnh phải thay khớp háng có uống rượu thường xuyên thì có tới 84,27% số người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi cả hai bên chân. Loại rượu hay uống là  rượu trắng tự nấu, rượu ngâm các loại hoa quả, củ, rễ... Số lượng uống từ vài chén rượu trong bữa ăn, vài vại bia hơi đến 0,65 - 1 lít rượu 1 ngày.

Theo bác sỹ Tùng, hoại tử chỏm xương đùi bắt nguồn từ tình trạng tắc các mạch máu nuôi chỏm xương đùi, loãng xương, thưa xương vùng chỏm xương đùi, khớp háng, dần tiến triển thành các ổ gẫy xương; hoại tử sụn và hoại tử xương dưới sụn ngày càng lan rộng, dẫn đến biến đổi cấu trúc khớp háng, thoái hóa khớp háng nặng, bệnh nhân đi lại rất khó khăn và cuối cùng là tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bệnh diễn biến âm thầm trong nhiều năm. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ thỉnh thoảng thoáng qua vùng khớp háng khiến người bệnh chủ quan không để ý đến. Khi người bệnh đau đến mức phải đi khám thường là đã đến các giai đoạn muộn của bệnh, không thể điều trị nội khoa uống thuốc hoặc điều trị chỉ giúp cho hoại tử chỏm xương đùi và thoái hóa khớp háng phát triển chậm lại chứ không thể đưa khớp háng và chỏm xương đùi về như chân lành. Dần dần dẫn đến đa phần bệnh nhân buộc phải mổ thay khớp háng nhân tạo một hoặc cả hai bên chân mới có thể đi lại ổn định và làm các công việc nhẹ.

Tuy nhiên, bác sỹ Tùng cảnh báo, mổ thay khớp háng là một đại phẫu thuật ẩn chứa rất nhiều rủi ro trong và sau mổ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời tuổi thọ khớp háng chỉ trung bình khoảng 10  năm với chi phí cao. Sau mổ khả năng lao động giảm; những lần thay sau càng khó khăn, nguy hiểm và tốn kém hơn lần đầu.

Bác sỹ Tùng đưa ra lời khuyên, trong các nhóm chất kích thích, rượu được xếp vào nhóm chất gây nghiện giống như ma túy. Việc cai rượu rất khó, gây rối loạn tâm, sinh lý, hay tái nghiện. Nhiều bệnh nhân ngay từ những ngày đầu sau mổ thay khớp háng xuất hiện loạn thần, rối loạn tâm thần do ngừng uống rượu, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị.

Cùng với tác hại của rượu bia với chức năng gan, ảnh hưởng đến khớp háng do rượu ở người trẻ với những con số thống kê tăng đáng báo động (70,17% ở độ tuổi lao động so với dưới 50% ở những năm trước) gây ảnh hưởng đến khả năng lao động, giảm thu nhập, giảm chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và tập thể, thực sự là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, mọi người nên hạn chế sử dụng rượu bia, “vui có chừng, dừng đúng lúc” để tránh nguy cơ bệnh tật.

Theo Phapluatxahoi.vn

comment Bình luận

largeer