Hoàn thiện mạng lưới phân phối, củng cố thị trường sau sáp nhập hành chính

Hoàn thiện mạng lưới phân phối, củng cố thị trường sau sáp nhập hành chính
Ngày 8/7, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 5061/BCT-TTTN, giao chỉ tiêu tăng trưởng và nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước cho các Sở Công Thương tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là những địa phương vừa trải qua quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Đây là động thái nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển thương mại nội địa trong giai đoạn mới, tạo tiền đề cho việc phát triển thị trường đồng bộ, phù hợp với quy mô và điều kiện thực tế sau khi sáp nhập.
10/07/2025 05:43

Điều chỉnh mục tiêu phù hợp với tình hình mới

Sau quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính, nhiều địa phương phải đối mặt với thách thức trong việc xác định mục tiêu tăng trưởng phù hợp với quy mô mới. Nhằm đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong công tác quản lý thị trường, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương chủ động rà soát, xây dựng lại chỉ tiêu phát triển thương mại cho giai đoạn tiếp theo, bao gồm: tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, mức tăng trưởng bình quân năm, và chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng thương mại.

Đồng thời, các địa phương cần đánh giá lại toàn bộ hệ thống phân phối, mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và các hình thức kinh doanh hiện đại để có kế hoạch phát triển tương ứng với đặc thù của địa bàn sau sáp nhập.

Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh chú trọng mở rộng thị trường nội địa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt ưu tiên phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích.

di-sieu-thi-mua-gi-5

Ngoài ra, việc đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các tỉnh cần quan tâm đến quy hoạch và xây dựng chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho bãi, và hệ thống vận chuyển hàng hóa, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa hiệu quả, giảm chi phí trung gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nội địa.

Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát thị trường

Trong chỉ đạo lần này, Bộ Công Thương đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, đồng thời nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về mua sắm an toàn và tiêu dùng thông minh.

Theo kế hoạch, các Sở Công Thương sẽ phải định kỳ báo cáo kết quả triển khai các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao về Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ theo dõi, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật, hoặc điều chỉnh các mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, góp phần đảm bảo sự phát triển cân bằng, hiệu quả giữa các vùng miền.

Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các địa phương sau sáp nhập tái thiết hệ thống thương mại, củng cố hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa – yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thanh Tùng – Nguyễn Nghị

comment Bình luận