Biến chứng nguy hiểm của sỏi sản hô

Theo thống kê chưa đầy đủ, sỏi thận chiếm khoảng 40% số ca bệnh lý tiết niệu; sỏi san hô chiếm khoảng 5% số ca sỏi thận.
15/01/2021 08:28

Đối tượng dễ mắc bệnh sỏi thận là người làm việc nặng nhưng ít uống nước hay uống nước không đều đặn, có tiền sử bị sỏi thận, người dân sống ở vùng có nguồn nước cứng… Tuy là mặt bệnh hiếm gặp, nhưng sỏi san hô thường để lại hậu quả nặng nề, gây khó khăn cho công tác điều trị.

So với sỏi thận thông thường, phẫu thuật lấy sỏi san hô phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Điển hình, với trường hợp bệnh nhân N.V.I. (sinh năm 1934), một khối sỏi san hô vừa được bác sĩ Nguyễn Đình Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

soi san ho

Biểu hiện của người bị sỏi san hô rất đa dạng nhưng thường là đau lưng, có thể có sốt, tiểu ra máu, đau, bí tiểu… Sỏi lấp đầy các đài bể thận gây ứ nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng niệu dẫn đến phá hủy dần nhu mô thận. Nhiễm trùng có thể làm cho viêm đài bể thận, thận ứ mủ hay áp-xe quanh thận. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị sỏi san hô mà không triệu chứng.

Nhiều người chủ quan cho rằng sỏi san hô không có triệu chứng, không gây đau là không nguy hiểm, tuy nhiên nếu không điều trị, sỏi sẽ tăng dần về kích thước và để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Sỏi san hô là căn nguyên tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Trong các bệnh viêm đường tiết niệu, vi khuẩn chuyển hóa tạo ra nhiều chất thải khiến Struvite khó hòa tan hơn tạo thành sỏi san hô. Sỏi có thể gây kích ứng nghiêm trọng, gây viêm mạn tính, lâu dần gây ung thư tế bào vảy của ống thận. Khối u ác tính này đe dọa đến tính mạng và chỉ có khoảng 10% người bệnh kéo dài tuổi thọ thêm được 5 năm nữa.

Ngoài ra, ở mức độ nhẹ hơn, sỏi gây nhiễm trùng làm viêm đài - bể thận, áp xe thận, viêm xơ nhu mô thận… Lúc này, các triệu chứng rõ rệt hơn gồm: đau quặn thận, đau lưng sốt, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu. Chính vì vậy, sỏi san hô mặc dù hiếm gặp nhưng nếu chủ quan không điều trị hoặc không phát hiện sớm sẽ để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Điều trị sỏi san hô

Điều trị bằng thuốc

Sỏi san hô là sỏi nhiễm trùng nên thường được điều trị kháng sinh để phòng ngừa viêm đài bể thận cấp và nhiễm trùng hệ thống có thể ức chế vi khuẩn phát triển. Kháng sinh đôi khi có tác dụng thu nhỏ kích thước sỏi.

Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một số thuốc có tác dụng ức chế men urease như Acetohydroxamic acid (AHA) có tốc độ bài tiết qua thận cao, thâm nhập vào thành của tế bào vi khuẩn, có tác dụng ức chế men urease, cải thiện nồng độ kiềm nước tiểu, hoặc thuốc giúp acid hóa nước tiểu như amonium choloride…

Phẫu thuật hoặc tán sỏi qua da

Tán sỏi qua da là một trong những phương pháp được dùng điều trị sỏi san hô.

Tùy số lượng sỏi, kích thước, thể tích, vị trí và hình dạng sỏi liên quan chặt chẽ đến chỉ định phương pháp điều trị lấy bỏ sỏi. Ở nước ta, đối với loại sỏi san hô phẫu thuật mổ lấy sỏi vẫn đóng vai trò chủ yếu. Ngoài ra, có thể dùng phương pháp tán sỏi qua da với ưu điểm rút ngắn thời gian mổ và nằm viện, ít biến chứng trong và sau mổ hơn, bảo toàn và cải thiện sức khỏe nhanh chóng.

Chế độ ăn uống

Ngoài dùng thuốc thì chế độ ăn uống hợp lý cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận nói chung và sỏi san hô nói riêng. Người bệnh nên ăn nhạt, ăn ít thịt, ít dầu mỡ và các loại thực phẩm chứa nhiều oxalate như đậu, củ cải đường, dâu, cam, chocolate... Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò…

Theo VTV

comment Bình luận

largeer