Biển Đông dự báo sẽ đón 8-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới từ nay đến cuối năm

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, từ nay đến cuối năm có thể xuất hiện từ 8-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông. Trong đó, sẽ có từ 3-5 cơn bão sẽ đi vào đất liền. Các địa phương và người dân khu vực ven biển chủ động ứng phó, sẵn sàng đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết.
25/07/2025 10:44

Chia sẻ mới đây với báo chí từ ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia thì giai đoạn từ nay đến tháng 10/2025, dự kiến sẽ có khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông. Trong đó khoảng 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.Tiếp đến, giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12/2025, có thể xuất hiện thêm 2-3 cơn bão/ATNĐ, trong đó khoảng 1-2 cơn có khả năng đổ bộ vào đất liền".

Dự báo từ nay đến cuối năm, Biển Đông có thể xuất hiện 8-11 cơn bão, trong đó 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. (Ảnh TTXVN)

Dự báo từ nay đến cuối năm, Biển Đông có thể xuất hiện 8-11 cơn bão, trong đó 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. (Ảnh TTXVN)

Theo dự báo từ Trung tâm KTTV Quốc gia thì từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 9/2025, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to kéo dài. Khu vực Trung Bộ cần đặc biệt lưu ý khả năng xuất hiện mưa lớn bất thường trong những thời điểm giao mùa, nhất là các đợt mưa trái mùa hoặc mưa lớn cục bộ.

Do mùa mưa tại Trung Bộ năm nay dự báo sẽ tập trung nhiều vào các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2025, trùng thời kỳ hoạt động mạnh của bão, ATNĐ cùng với dải thời tiết xấu đi qua Trung Bộ, các địa phương cần đặc biệt lưu ý để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Đỉnh lũ trên các sông chính khu vực Bắc Bộ dự báo ở mức báo động 1 đến báo động 2; các sông nhỏ và thượng lưu đạt mức báo động 2 đến báo động 3; các sông từ Thanh Hóa đến Lâm Đồng phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3, trên một số sông nhỏ và thượng lưu các sông vượt mức báo động 3.

Đáng lưu ý, đối với các sông từ Quảng Trị đến Lâm Đồng, các đợt lũ lớn có khả năng tập trung vào các tháng 10, 11/2025 và khả năng xuất hiện các đợt lũ muộn vào cuối năm trùng vào thời kỳ tích nước ở khu vực Trung Bộ.

Khu vực lưu vực sông Mê Công, đỉnh lũ năm nay được dự báo tương đương trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu và Châu Đốc (đầu nguồn sông Cửu Long) dự kiến ở mức báo động 1, trong khi các trạm hạ lưu có thể đạt mức báo động 2 – báo động 3, thậm chí vượt mức báo động 3.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Ông Mai Văn Khiêm cho biết thêm: "Nắng nóng còn có khả năng còn tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung Bộ trong nửa cuối tháng 7 và kéo dài đến tháng 8/2025, tuy nhiên cường độ có xu hướng suy giảm dần từ nay đến tháng 9. Bước sang cuối năm, không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10/2025 và gia tăng cường độ, tần suất từ tháng 11/2025. Hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực miền Bắc có khả năng xuất hiện ở mức tương đương so với TBNN cùng thời kỳ (khoảng từ nửa cuối tháng 12/2025). Cần đề phòng khả năng xảy ra sương muối, băng giá ở vùng núi cao khu vực Bắc Bộ".

Tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Việc chủ động theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là yếu tố then chốt để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận