Bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ đột quỵ

Theo một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Đại học Tim mạch Mỹ, việc bỏ bữa sáng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong vì các bệnh tim mạch, đặc biệt là tử vong do đột quỵ.
23/02/2023 19:44

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Đại học Iowa (Mỹ) đã phân tích dữ liệu theo dõi trong giai đoạn 1988-1994 của 6.550 người từ 40-75 tuổi, không có tiền sử mắc bệnh tim. Trong đó, nhóm nghiên cứu tập trung xem xét mức độ thường xuyên ăn sáng và tỷ lệ tử vong của từng người tham gia, cụ thể là xem liệu một ca tử vong có liên quan đến sức khỏe tim mạch hay không. Trong số người tham gia, có 5,1% chưa bao giờ ăn sáng, 10,9% ít khi ăn sáng, 25% thỉnh thoảng có ăn sáng và 59% ăn sáng mỗi ngày.

Sau khi loại trừ các yếu tố gồm tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tình trạng kinh tế-xã hội, chế độ ăn uống, lối sống, chỉ số khối cơ thể và tình trạng bệnh tật, nhóm chuyên gia phát hiện những người không bao giờ ăn sáng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 87% so với những người dùng bữa sáng mỗi ngày. Còn nhìn chung, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng bỏ bữa sáng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tăng cholesterol (mỡ trong máu), huyết áp cao, tiểu đường típ 2, hội chứng chuyển hóa và bệnh tim.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những phát hiện nói trên được công bố chỉ vài ngày sau khi một nghiên cứu tương tự cho thấy rằng những người bỏ bữa sáng và ăn tối muộn ít có khả năng sống sót sau khi trải qua một cơn đau tim.

Cũng liên quan đến vấn đề sức khỏe tim mạch, một phân tích quy mô lớn của các nhà khoa học đến từ trường Y tế Công cộng Harvard T H Chan và Đại học Purdue (Mỹ) mới đây cho thấy việc thay thế các loại thịt đỏ (bò, cừu, dê, heo) bằng các loại prôtêin thực vật lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Trong nghiên cứu mới này, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu lấy từ 36 thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, với sự tham gia của tổng cộng 1.804 người. Đầu tiên, họ xem xét chỉ số huyết áp và nồng độ cholesterol, triglyceride và lipoprotein trong máu ở những người áp dụng chế độ ăn uống với thịt đỏ. Sau đó, họ so sánh những số liệu này với số liệu tương tự lấy từ những người ăn các loại thực phẩm khác - như thịt gà, cá, chất bột-đường (carbohydrate), các loại đậu hoặc các loại hạt.

Kết quả cho thấy nhóm tiêu thụ thịt đỏ và nhóm tiêu thụ thực phẩm khác không khác biệt nhau đáng kể về các chỉ số được so sánh. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều thịt đỏ đã làm tăng nồng độ triglyceride, trong khi chế độ ăn giàu prôtêin thực vật chất lượng cao làm giảm nồng độ cholesterol “xấu”. Được biết, chỉ số triglyceride và cholesterol “xấu” cao là các yếu tố rủi ro dẫn tới bệnh tim mạch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch - cụ thể là bệnh tim và đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, với 15,2 triệu ca tử vong trong năm 2016.

Theo Medical News Today

comment Bình luận

largeer