Bộ GD&ĐT Đề nghị các địa phương mạnh dạn mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đây chính là lúc chúng ta cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.
19/01/2022 16:07

 Ngày 19/1, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.

Mở cửa trường học trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới

Báo cáo về kinh nghiệm mở cửa lại trường học tại một số nước trên thế giới, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trước khi có vaccine, việc học online là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi tỷ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Trong bối cảnh mô hình "Sống chung với COVID-19" được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Số liệu UNICEF và UNESCO ngày 7/1/2022 cho thấy: trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương với 26 nước có 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam).

6

Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để mở cửa trường học, theo ông Phạm Quang Hưng, các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, trong đó dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO về mở cửa trường học. Đặc biệt có quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh; các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học; tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.

Ví dụ: Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên/nhân viên tiêm chủng vaccine COVID-19 từ 85% trở lên được mở cửa trở lại. Một số quốc gia (Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia) triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hàn Quốc và Singapore hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh từ 12-18 tuổi. Với trẻ chưa tiêm và không tiêm, các nước cũng hối thúc đi học. Kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản trong việc này là quản lý chặt hơn (kiểm tra các triệu chứng); với Canada và Mỹ thì yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm. Pháp giao từng địa phương quyết định căn cứ tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh, các trường từ tiểu học đến THPT sẽ học trực tiếp nếu là vùng xanh và vàng, còn vùng cam và đỏ sẽ kết hợp học trực tuyến và trực tiếp.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Quang Hưng nhận định: Việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm "Sống chung với COVID". Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học cùng với việc tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn mở cửa trường học

Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hơn 2 năm qua, ngành giáo dục đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy và học để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trường học. Với những vùng an toàn, trường học duy trì dạy học trực tiếp; nơi dịch phát sinh phức tạp thì chuyển sang dạy học trực tuyến, học trên truyền hình; nhiều nơi tổ chức một cách linh hoạt, dạy học kết hợp giữa các hình thức.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sau thời gian dài trẻ không được đến trường hoặc đến trường rất ít không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như những tác động nhiều mặt khác.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đã rất cao; điều kiện thuốc chữa có cải thiện; điều kiện phòng chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân được cải thiện, nâng cao; địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống, dịch.

 Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đây chính là lúc chúng ta cần điều chỉnh việc mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.

"Dịch bệnh luôn diễn biến, thay đổi, sự ứng phó cũng luôn luôn có điều chỉnh linh hoạt, thực tế thì sinh động, nên việc ở từng thời điểm có những điều chỉnh để thích ứng một cách hiệu quả là tất yếu của quá trình phòng chống dịch" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.

Trong đợt bùng phát dịch COVID-9 lần thứ 4 (từ 27/4/2021 đến 18/1/2022), toàn ngành giáo dục có 130.014 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19.

 Đến 17h ngày 18/1/2022, theo số liệu báo cáo của các Sở GD&ĐT, hiện có 4.797 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của ngành đang điều trị.

 Về công tác dạy học, đến ngày 18/1, có 14 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông, chiếm 22,22%. Dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình có 30 tỉnh, thành phố, chiếm 47.61%. Dạy trực tuyến và qua truyền hình có 19 tỉnh, thành phố, chiếm 30,15%.

 Số đơn vị huyện/thị xã/thành phố dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 379/713 (đạt 53,15%); có 43 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trực tiếp (2.519.261/5.068.903), tỉ lệ 49.7%; có 46 tỉnh, thành phố học sinh tiểu học đến trường (4.223.368/8.884.964) đạt tỉ lệ 57,37% học sinh tiểu học trên cả nước; 53 tỉnh, thành phố học sinh THCS đến trường (3.496.361/5.704.300), chiếm tỉ lệ 61.29%. Khối THPT có 1.834.764/2.751.650 học sinh học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 66,67%.

Theo SKVĐS

 

comment Bình luận

largeer