Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra chuẩn bị và triển khai nhiệm vụ năm học mới tại Sơn La

Trong 2 ngày (22, 23/10), đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐĐT) do Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi làm trưởng đoàn đã kiểm tra chuẩn bị và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 tại tỉnh Sơn La.
24/10/2024 11:49

Nội dung kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT đã kiểm tra thực tế tại một số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, huyện Mường La, làm việc với UBND các huyện và UBND tỉnh Sơn La.

bo

Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT làm việc với UBND tỉnh Sơn La sáng ngày 23/10/2024 (Ảnh: Bộ GDĐT)

Chuẩn bị năm học mới phù hợp với điều kiện thực tế địa phương

Theo báo cáo của Sở GDĐT Sơn La, năm học 2024-2025, tỉnh Sơn La có 610 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 73,3% (tăng 1,2 % so với năm học trước), phòng học bán kiên cố 24,75%; phòng học tạm 1,95% (giảm 0,4%).

Thiết bị tốt thiểu tính bình quân cấp học mầm non đạt 76,2% (tăng 1,2%); cấp tiểu học đạt 80,5% (tăng 2,8%); cấp THCS đạt 62.2% (tăng 5,5%); cấp học THPT - giáo dục thường xuyên đạt 55,3% (tăng 2,9%). Tổng số cán bộ, giáo viên đạt chuẩn là 20521/22314, đạt tỷ lệ 91,96%.

Chuẩn bị năm học mới 2024-2025, tỉnh Sơn La đã tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đúng quy định của pháp luật, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

100% các cơ sở giáo dục thực hiện các hoạt động giáo dục theo đúng kế hoạch giáo dục đã xây dựng, đảm bảo đúng mục tiêu nội dung  chương trình, phù hợp với thực tế địa phương, cơ sở vật chất và đội ngũ sẵn có.

Tổ chức tốt việc bồi dưỡng, tập huấn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm 100% giáo viên dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều được tập huấn.

Trước khai giảng năm học mới 2024-2025 hoàn thành việc tổ chức cho học sinh lựa các tổ hợp môn học tự chọn phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng nhà trường và phù hợp với nguyện vọng, năng lực của học sinh.

Khó khăn của giáo dục tỉnh Sơn La là cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, còn nhiều điểm trường lẻ; kinh phí dành cho bảo trì, sửa chữa cơ sở vật chất hạn chế; đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đảm bảo đủ tỷ lệ giáo viên/lớp; việc giảm biên chế viên chức cơ học không phù hợp với các cơ sở giáo dục càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên thêm khó khăn; việc mua sắm trang thiết bị dạy học còn vướng do thủ tục phức tạp.

Đánh giá về công tác chuẩn bị và triển khai năm học mới của tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT nhận định: Công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện đầu năm học của tỉnh Sơn La cơ bản thuận lợi, diễn ra theo đúng khung biên chế năm học 2024-2025.

Các văn bản của Nhà nước, Chính phủ, Bộ GDĐT, các cấp các ngành được tiếp nhận, quán triệt đầy đủ. Việc ban hành các văn bản cũng như công tác chỉ đạo, hướng dẫn trên các lĩnh vực liên quan đến các cấp học rất cụ thể, rõ ràng, do đó các địa phương, các cơ sở giáo dục thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện.

Công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho năm học mới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thể hiện ở công tác chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, giao chỉ tiêu biên chế, sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ và tuyển dụng giáo viên.

Qua kiểm tra thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục, đoàn kiểm tra Bộ GDĐT đã có những kiến nghị cụ thể với UBND tỉnh Sơn La, Sở GDĐT Sơn La. Tập trung vào một số nội dung như trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục thuộc thẩm quyền; tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học để các cơ sở giáo dục; chỉ đạo sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí để phát triển giáo dục từ chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục...

Cần chính sách cho giáo dục phù hợp và thích nghi

Trao đổi tại buổi làm giữa đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT với UBND tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công đã chia sẻ những khó khăn đặc thù của Sơn La về địa hình, phân bố dân cư, hạ tầng giao thông… tác động đến giáo dục và đào tạo; đồng thời thông tin về những nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Nhấn mạnh một số nỗ lực cụ thể của giáo dục Sơn La trong đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú, huy động nguồn lực xã hội hoá để phát triển trường ngoài công lập, huy động trẻ mầm non đến lớp…, ông Nguyễn Thành Công cũng nhắc tới quan điểm của địa phương về việc quan tâm tới cơ chế chính sách đảm bảo cho phát triển giáo dục và đào tạo, quan tâm đến chính sách cho giáo viên. “Nhất định phải làm tốt chính sách cho giáo viên, để giáo viên có nguồn lực, tự tin gắn bó với nghề”, ông Nguyễn Thành Công nói.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh tiếp thu các nội dung kết luận của đoàn kiểm tra Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công giao Sở GDĐT tổng hợp báo cáo đề UBND tỉnh tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, kết quả của ngành Giáo dục Sơn La những năm qua, thể hiện qua nhiểu thành tích nổi bật cũng như việc quan tâm ban hành nhiều chính sách về giáo dục.

Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tỉnh Sơn La, Thứ trưởng mong muốn tỉnh Sơn La tiếp tục quan tâm tới các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo.

Trong đó, lưu ý để các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ có giáo dục được thụ hưởng; đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục tối thiểu 20%; quan tâm đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên.

Nhấn mạnh việc đưa ra chính sách giáo dục phù hợp và thích nghi với điều kiện thực tế của địa phương, Thứ trưởng nhắc tới một số việc cần làm với giáo dục Sơn La và các địa phương miền núi nói chung.

Đó là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao dân trí để người dân hiểu được, ý nghĩa của “con chữ” chính là an sinh xã hội, là xoá đói giảm nghèo bền vững.

Đó là, tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp. Theo Thứ trưởng, đối với địa bàn đặc thù như Sơn La quy hoạch vẫn phải chấp nhận điểm trường lẻ nhưng cần tăng cường hệ thống nội trú, bán trú. “Mong lãnh đạo tỉnh quan tâm vấn đề này”, Thứ trưởng nói.

Đối với biên chế cho ngành Giáo dục, Thứ trưởng cho rằng, chủ trương tinh giản biên chế 10% là hoàn toàn đúng, nhưng với lĩnh vực giáo dục không nên cơ học, bởi Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có quy định về đặc thù cho giáo dục, y tế và thực tế theo định mức giáo viên, theo điều lệ các cấp học số lượng giáo viên của tỉnh Sơn La hiện là chưa đủ.

Trong thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi mong muốn tỉnh Sơn La quan tâm tới chỉ tiêu của giáo dục trong văn kiện đại hội, qua đó tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo của địa phương tiếp tục phát triển.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer