Đừng để cách uống nước sai lầm làm hại cơ thể bạn

Nước chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể, tham gia mọi hoạt động sống như tuần hoàn, tiêu hóa, thải độc. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen uống nước sai cách, tưởng vô hại nhưng lại gây rối loạn trao đổi chất, ảnh hưởng chức năng cơ quan và làm cơ thể mất cân bằng.
04/07/2025 13:47

Chỉ uống khi cảm thấy khát

Nhiều người chỉ uống nước khi khát, nhưng đó là dấu hiệu cơ thể đã mất nước nhẹ. Thói quen chờ khát khô cổ mới uống khiến nước tiểu cô đặc, tăng nồng độ chất thải và độc tố, dễ hình thành sỏi thận và gây tổn thương mô thận. 

Thiếu nước còn dẫn đến mệt mỏi, khô da, táo bón và giảm khả năng tập trung. Hãy chia đều lượng nước trong ngày để thận hoạt động ổn định, lọc máu hiệu quả và giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu.

Uống quá nhiều nước

Ngược lại, uống nước quá nhanh hoặc quá nhiều trong thời gian ngắn, nhất là sau khi vận động hoặc khi nhớ ra mình chưa uống đủ nước, có thể gây hại. Thận sẽ phải làm việc gấp để xử lý lượng dịch đột ngột, dễ dẫn đến mất cân bằng điện giải và rối loạn chức năng lọc nước. Trong một số trường hợp, tình trạng này gây hạ natri máu nhẹ, dẫn đến buồn nôn, nhức đầu và chóng mặt.

Nhu cầu nước của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào tuổi tác, mức độ hoạt động và môi trường sống. Vì vậy, thay vì ép buộc theo một con số cố định, hãy lắng nghe cơ thể để điều chỉnh lượng nước phù hợp.

Empty

Uống quá nhiều nước một lúc có thể khiến thận quá tải, rối loạn điện giải và tăng nguy cơ hạ natri máu (Ảnh: Minh họa)

Uống nước sai thời điểm

Nhiều người có thói quen uống một ly nước lớn trước khi ngủ hoặc trong bữa ăn mà không lường trước tác hại. Uống nhiều nước vào buổi tối dễ gây gián đoạn giấc ngủ và cản trở quá trình phục hồi tế bào. Còn uống quá nhiều nước trong bữa ăn có thể làm loãng dịch vị, gây đầy bụng, khó tiêu.

Tốt nhất nên uống nước trước bữa ăn khoảng 30 phút để hỗ trợ tiêu hóa, hoặc sau ăn khoảng 1 giờ để không ảnh hưởng đến dạ dày. Ngoài ra, bắt đầu buổi sáng với một ly nước ấm giúp cơ thể thải độc và kích thích nhu động ruột hiệu quả.

Thay thế đồ uống chứa caffeine

Để tránh cảm giác nhàm chán, nhiều người thay nước lọc bằng nước ngọt, trà sữa, cà phê hoặc nước tăng lực. Tuy hấp dẫn, nhưng những đồ uống này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thận. Caffeine, đường và chất bảo quản trong đó làm tăng áp lực lên thận, thúc đẩy bài tiết canxi làm tăng nguy cơ gây sỏi thận.

Ngoài ra, tiêu thụ nước ngọt lâu dài còn làm tăng nguy cơ tiểu đường và tăng huyết áp, hai yếu tố hàng đầu dẫn đến suy thận.

Empty

Đồ uống chứa nhiều đường, chất kích thích có thể thúc đẩy hình thành sỏi thận và gây mất cân bằng điện giải (Ảnh: Minh họa)

Uống nước quá lạnh hoặc quá nóng

Uống nước quá nóng hoặc quá lạnh đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nước lạnh tuy giúp giải khát nhanh nhưng có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, ảnh hưởng tiêu hóa và tuần hoàn, đồng thời làm cổ họng yếu đi, dễ gây viêm họng.

Ngược lại, nước quá nóng có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, thực quản và dạ dày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, uống nước trên 65°C thường xuyên làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Do đó, nước ấm 30-45°C là lựa chọn an toàn, tốt cho tiêu hóa và thận.

Empty

Uống nước đá thường xuyên có thể gây viêm họng, đau bụng hoặc làm co thắt đường tiêu hóa (Ảnh: Minh họa)

Minh Châu (Tổng hợp)

comment Bình luận