Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Sáng 28/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo trao đổi về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội thảo.
28/11/2024 17:47

Hội thảo nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Theo đó, đặt ra cụ thể một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như: Phát triển bền vững thuộc Nnóm 50 nước đứng đầu; năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu…

Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Những nhóm giải pháp này hướng tới giải quyết các vướng mắc, bất cập cụ thể và đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.  

quangcanh

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Bộ GDĐT)

Theo đó, ngoài nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, Bộ GDĐT được Chính phủ giao các nhiệm vụ cụ thể: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu nâng hạng các chỉ số về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP hàng năm góp phần phấn đấu đến năm 2025 thứ hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng ít nhất 3 bậc; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu thống kê và thực hiện công bố trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học; tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”…; tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP…

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, ngày 19/01/2024, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 của Bộ GDĐT.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của ngành giáo dục trong phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, đổi mới sáng tạo cũng xuất phát từ các trường đại học, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đạt số lượng mà còn phải đầu tư chất lượng để có lực lượng lao động trình độ cao, tham gia phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng cho biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế được đo đếm bằng các bộ chỉ số xếp hạng khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu chính không phải là xếp hạng quốc tế, mà là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó là cạnh tranh về vốn đầu tư; về chất lượng và khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm, dịch vụ giáo dục và đào tạo; cạnh tranh về nguồn nhân lực; cạnh tranh về công nghệ, sức mạnh của mỗi quốc gia.

Nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, ngành Giáo dục có thể đóng góp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận tiện cho các nhà đầu tư, cơ sở giáo dục hoạt động thuận lợi trên cơ sở tuân thủ pháp luật và thông qua cải thiện môi trường cung cấp các dịch vụ nhằm phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, phải làm sao để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục với người dân, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua nhiều giải pháp.

“Hội thảo không phải là chúng ta làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, mà chúng ta cần hiểu rõ chỉ số đo đếm năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như đo đếm năng lực, sức mạnh hệ thống giáo dục và đào tạo là gì, cần hiểu rõ vấn đề này. Lựa chọn chỉ số nào để đánh giá và vì sao lựa chọn chỉ số đó, có báo cáo cụ thể, số liệu, thống kê, từ đó đề xuất, kiến nghị, chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ban ngành, các địa phương, cơ sở giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KHĐT), Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) đã giới thiệu các Bộ chỉ số xếp hạng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và các Chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT cũng đưa ra các giải pháp để nâng cao xếp hạng Chỉ số Đọc, Toán và Khoa học (PISA); các chính sách hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học; các chỉ tiêu thống kê, công bố trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo thông lệ quốc tế.

Hội thảo cũng ghi nhận trao đổi, thảo luận, kiến nghị của các đại biểu để đóng góp ý kiến, tháo gỡ các điểm nghẽn, đưa ra các giải pháp giúp Bộ GDĐT triển khai tốt hơn các nhiệm vụ Chính phủ giao.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer