Bổ sung Vitamin D cho bệnh nhân COVID-19 có tốt hay không?

Việc nhiễm COVID-19 ở người lớn đã bão hoà, người dân đi lại bình thường, thì việc nhiễm COVID-19 ở trẻ em trở thành đề tài nổi bật. Hiện nay nở rộ các khuyến cáo bổ sung các thể loại vi chất, thuốc bổ để nâng cao hệ miễn dịch. Tuy nhiên, sự thật của việc bổ sung này có tốt hay không là một vấn đề đáng bàn.
17/03/2022 11:14

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội sẽ chía sẻ về vấn đề này.

Theo đó, các thống kê từ năm 2021 tính đến bây giờ đã trả lời rõ ràng rằng việc bổ sung vitamin C và kẽm liều cao cho đối tượng nhiễm COVID-19 (cả người lớn lẫn trẻ em) đều không đem lại hiệu quả nào đáng kể trong việc điều trị. Thế nên, muốn bổ sung hay không thì tuỳ.

vitamin-d

(Ảnh minh họa)

Còn vitamin D thì sao? Để lược nhanh lại lịch sử khoa học một tí.

Trong suốt thế kỷ 19, phơi nắng là 1 trong những phương pháp điều trị làm giảm triệu chứng của các bệnh nhân bị lao phổi. Tương tự, trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 chết hàng triệu người, các nhà khoa học nhận thấy việc điều trị ngoài trời có tiên lượng khả quan hơn trong nhà kín. Sau này, người ta biết đó là nhờ tác dụng của vitamin D.

Ngoài vai trò tăng cường hấp thu và bồi đắp canxi làm xương chắc khỏe, tăng chiều cao cho trẻ (cái này nói mãi rồi), vitamin D được coi như một anh công nhân đa năng, một dạng hormon có tác dụng điều chỉnh lên hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Sau khi vào cơ thể qua đường tiêu hóa hoặc được tổng hợp dưới da nhờ ánh sáng, anh công nhân này cùng tế bào bạch cầu tạo ra cathelicidin và các chất bảo vệ có thể làm giảm tốc độ sao chép của vi rút.

Trong các nghiên cứu trước đây, việc thiếu vitamin D sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm hợp bào đường hô hấp, bệnh cúm, bệnh lao cũng như gia tăng nguy cơ tổn thương phổi. Đó là tiền đề cho câu hỏi liệu việc thiếu hụt vitamin D có liên quan gì đến nhiễm vi rút COVID-19 hay không.

Trong 2 năm qua, một loạt các tổng kết so sánh về nồng độ vitamin D trong máu cho thấy, nhóm trẻ em nhiễm COVID-19 có nồng độ vitamin D thấp hơn nhóm đối chứng khỏe mạnh và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Ở người lớn cũng cho kết quả tương tự.

Tuy nhiên, cũng giống như các chất tăng cường miễn dịch khác, việc bổ sung ồ ạt và liên tục vitamin D trong thời gian ngắn ở người nhiễm COVID-19 cũng không cải thiện được tình hình bao nhiêu. Bởi việc tác dụng lên hệ miễn dịch cần mất cả một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai. Cũng có 1 vài tổng kết nói rằng bổ sung vitamin D trong quá trình điều trị sẽ cải thiện được tỉ lệ tử vong, vấn đề này hiện tại vẫn còn tranh cãi.

Thống kê cũng cho thấy, nhóm bổ sung vitamin D liều cao 1 lần không mang lại hiệu quả trong việc phòng chống và điều trị COVID-19 như ở nhóm bổ sung vitamin D hàng ngày (~400 - 1000 IU). Do đó, việc bổ sung vitamin D hàng ngày là điều nên làm bởi nguồn thực phẩm hàng ngày chứa vitamin D không nhiều, trong khi việc tổng hợp qua da nhờ ánh nắng mặt trời khó thực thi, nhất là thời tiết miền Bắc có nhiều tháng mùa đông lạnh. Hơn nữa, nhiều người lớn và cả trẻ em buộc phải ở trong nhà trong suốt thời gian dài dịch bệnh.

Theo khuyến cáo, trẻ bú mẹ mỗi ngày cần 400 IU và nên bổ sung cho đến tuổi trưởng thành. Mình thích dùng dạng xịt định liều, mỗi nhát xịt chứa đủ liều 400 IU theo khuyến cáo, hấp thu qua niêm mạc miệng dễ dàng và thuận tiện cho trẻ con.

Với người lớn, tuổi 19 - 70 mỗi ngày cần 600 - 800 IU và > 70 tuổi mỗi ngày cần 800 IU. Lúc này, lựa chọn uống viên dầu cá có vitamin D rất dễ dàng. Nhiều năm nay mình vẫn bổ sung đều đều kèm tập fitness cho khỏe người, he he.

Đương nhiên chúng ta cần chú ý, dùng đúng, dùng đủ đừng dùng thừa. Việc dùng thừa sẽ không giúp hệ miễn dịch khỏe lên mà còn gây họa. Tuy vậy, nếu nằm trong khuyến cáo thì cứ đúng chỉ định mà dùng thôi, đương nhiên là sẽ rất tốt.

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer