Bộ Y tế chủ động tháo gỡ cơ chế mua sắm, đảm bảo cung ứng đủ vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng
MỘT SỐ KHÓ KHĂN VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP
Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ việc mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 như sau:
Về cơ chế mua sắm, cung ứng vaccine, thuốc thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số
Giai đoạn 2016-2020
Giai đoạn này thực hiện theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 (CTMT YT-DS), việc mua sắm vaccine cho tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV (ARV) và vitamin A như sau:
Kinh phí mua vaccine
Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện mua sắm đối với vaccine cho TCMR, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV (ARV) và Vitamin A theo quy định tại mục 7 Điều 1 của Quyết định số 1125/QĐ-TTg. Bộ Y tế mua sắm tập trung, ký hợp đồng với nhà cung ứng, cấp phát cho các địa phương thực hiện.
Cơ chế mua sắm đối với các loại vaccine cho tiêm chủng mở rộng
- Các vaccine sản xuất trong nước (9 loại): các loại vaccine này chỉ có một nhà sản xuất trong nước (mỗi đơn vị sản xuất 2 đến 4 loại vaccine). Do đó, Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với tất cả các loại vaccine sản xuất trong nước.
Bộ Y tế được giao dự toán từ NSTW nên đủ điều kiện đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013).
- Các vaccine nhập khẩu (3 loại): Bộ Y tế thực hiện cơ chế mua sắm: (i) Mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật đấu thầu; (ii) Thực hiện đấu thầu tập trung với các loại vaccine đủ điều kiện có từ 03 đăng ký trở lên.
(Ảnh: VTV)
Giai đoạn 2021 - 2022
Do CTMT YT-DS theo Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ thực hiện đến hết năm 2020. Đồng thời, theo Luật đầu tư công sửa đổi năm 2019, không còn CTMTYT-DS mà chỉ còn một số hoạt động lồng ghép vào nội dung chi của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2015, không có nội dung mua vaccine.
Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển sang giao cho địa phương thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; theo đó, Bộ Y tế được giao dự toán từ nguồn Ngân sách Trung ương thực mua sắm nên đảm bảo cung ứng đủ vaccine cho TCMR 02 năm 2021-2022.
Thực hiện chuyển một số nội dung về nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023
Về việc bố trí kinh phí mua vaccine
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1621/VPCP-KGVX ngày 13/3/2021 của Văn phòng Chính phủ: “Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, chuyển nội dung nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp để duy trì và nâng cao các kết quả đã đạt được và hướng dẫn định mức chi các nhiệm vụ thuộc CTMT YTDS chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên[1].
Ngày 7/7/2022, Bộ Y tế gửi công văn số 3593/BYT-KHTC đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn định mức chi các nhiệm vụ thuộc CTMT YT-DS chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên; ngày 8/8/2022 Bộ Tài chính gửi văn bản 7852/BTC-HCSN hướng dẫn Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nội dung trên, trong đó nêu rõ tại điểm b, khoản 2: “đối với với các nhiệm vụ chi của CTMT Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương:
Việc quy định chế độ, định mức chi các hoạt động, nhiệm vụ của CTMT Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của địa phương đã được tính toán trong định mức phẩn bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và đã được cấp có thẩm quyền giao cho các địa phương thực hiện”.
Năm 2023, với mong muốn tiếp tục thực hiện việc mua vaccine tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV (ARV) và Vitamin A như các năm trước, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4330/BYT-KHTC ngày 12/8/2022 gửi Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó có đề nghị bố trí 485 tỷ cho các nhiệm vụ chuyển từ CTMT YT-DS về nhiệm vụ thường xuyên để mua vaccine TCMR.
Ngày 12/08/2022, Bộ Tài chính gửi Công văn số 8028/BTC-HCSN về việc rà soát các nhiệm vụ thuộc CTMT YT-DS chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2023.
Ngày 07/9/2022, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Bộ Y tế gửi Công văn số 4856/BYT-KH-TC, trong đó Bộ Y tế đề nghị tiếp tục bảo đảm kinh phí từ ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ chi mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng.
Ngày 04/10/2022, Bộ Tài chính tiếp tục gửi công văn số 10095/BTC-HCSN về việc rà soát các nhiệm vụ thuộc CTMT YT-DS chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Theo đó, Bộ Tài chính có ý kiến: “Nghị quyết 104/NQ-CP chưa quy định rõ trách nhiệm của ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương trong việc đảm bảo kinh phí mua vaccine”, “tại Điều 21 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND tỉnh là đảm bảo nguồn lực và ngân sách địa phương cho hoạt động tiêm chủng trên địa bàn”, “đề nghị Bộ Y tế xây dựng các dự toán các nội dung, nhiệm vụ do Bộ Y tế thực hiện theo quy định và có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương”, “trường hợp cần bố trí ngân sách trung ương mua một số loại vaccine, đề nghị Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương”.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế không được bố trí kinh phí mua vaccine năm 2023, việc bố trí ngân sách trung ương để Bộ Y tế mua vaccine đến thời điểm này là không khả thi; các địa phương phải triển khai thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương là phù hợp khi không còn CTMT YT-DS.
Căn cứ các quy định của Luật Ngân sách, Công văn số 10095/BTC-HCSN ngày 04/10/2022 của Bộ Tài chính; Bộ Y tế gửi Công văn số 1810/BYT-KHTC ngày 03/4/2023 về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên và Công văn số 2591/BYT-KHTC ngày 28/4/2023 về việc cung ứng các loại vaccine cho tiêm chủng mở rộng, Vitamin A và thuốc ARV và các văn bản hướng dẫn về chuyên môn để địa phương thực hiện[2]. Việc Bộ Y tế ban hành các văn bản này là phù hợp với Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội.
Việc thực hiện của các địa phương khi thực hiện chuyển đổi
Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn tại các văn bản nêu trên, các địa phương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số chuyển về nhiệm vụ chi thường xuyên.
Đến nay Bộ Y tế nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[3] báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Theo đó, các vướng mắc chủ yếu tập trung vào việc mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng như: việc bố trí kinh phí của địa phương; việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện… và đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sau khi xem xét các yếu tố, điều kiện để thực hiện mua sắm cho thấy:
- Về kinh phí thực hiện: ngày 8/8/2022 Bộ Tài chính đã có văn bản 7852/BTC-HCSN hướng dẫn Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu rõ tại điểm b, khoản 2: “đối với với các nhiệm vụ chi của CTMT Y tế - Dân số giai đoạn 2016- 2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương: Việc quy định chế độ, định mức chi các hoạt động, nhiệm vụ của CTMT Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của địa phương đã được tính toán trong định mức phẩn bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và đã được cấp có thẩm quyền giao cho các địa phương thực hiện”. Như vậy, khi kết thúc CTMT Y tế - Dân số và chuyển về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương thì trách nhiệm địa phương phải tổ chức thực hiện.
- Về thẩm quyền khi mua sắm và đặt hàng mua vaccine sản xuất trong nước:
(i) Đối với trường hợp mua theo phương thức đặt hàng: Việc sử dụng ngân sách địa phương để đặt hàng mua vaccine sản xuất trong nước là đúng thẩm quyền về đặt hàng, phê duyệt giá và thanh toán của địa phương; đúng các quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính[4].
Bộ Y tế ban hành các Quyết định phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật cho các loại vaccine đặt hàng sản xuất trong nước[5], nên các địa phương thực hiện được việc đặt hàng.
(ii) Đối với trường hợp mua theo hình thức đấu thầu: Các địa phương đã thực hiện đấu thầu thuốc cấp địa phương một cách thường xuyên; Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn về mua sắm thuốc, vaccine đã quy định đầy đủ nên các địa phương có thể thực hiện và không vướng mắc.
Như vậy, việc địa phương thực hiện mua sắm là đảm bảo đúng các quy định hiện hành, tuy nhiên, một số địa phương chưa triển khai thực hiện nhưng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc mua sắm vaccine và các loại thuốc nêu trên.
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI THÔNG BÁO SỐ 183/TB-VPCP CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Việc rà soát, thống kê nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng: Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu đăng ký vaccine tiêm chủng mở rộng những tháng còn lại năm 2023 và đến tháng 6 năm 2024.
Về cơ chế Đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá
Trong những năm qua, Bộ Y tế thực hiện mua sắm thông qua hình thức đấu thầu tập trung, đàm phán giá đối với các loại: thuốc lao, thuốc ARV và vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) và có thể tiếp tục thực hiện ngay cả khi không được bố trí ngân sách trung ương.
Đối với 9 loại vaccine sản xuất trong nước: do các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu; khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Như vậy, Bộ Y tế không thể thực hiện đấu thầu tập trung đối với vaccine sản xuất trong nước (ngay cả khi Bộ Y tế được bố trí ngân sách trung ương).
Về cơ chế mua theo phương thức đặt hàng
Theo quy định tại điểm g khoản 4 Điều 8 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, cụ thể: UBND tỉnh quy định “giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật”. Do đó, khi nhiệm vụ mua vaccine được chuyển về địa phương, thì thẩm quyền đặt hàng của địa phương là phù hợp với các quy định.
Theo quy định này, trường hợp không được bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine, sẽ có vướng mắc như sau:
Bộ Y tế không có thẩm quyền đặt hàng cũng như xác định giá đặt hàng. Bộ Y tế đặt hàng 9 loại vaccine sản xuất trong nước[6]. Từ năm 2022 trở về trước, do Bộ Y tế được giao kinh phí ngân sách trung ương nên có thẩm quyền đặt hàng.
Bộ Tài chính không có thẩm quyền phê duyệt giá khi Bộ Y tế đặt hàng; Bộ Tài chính không phê duyệt đơn giá đặt hàng khi thanh toán bằng nguồn ngân sách địa phương, mà chỉ phê duyệt đơn giá khi đặt hàng, thanh toán bằng nguồn ngân sách trung ương.
Đề xuất phương án đảm bảo cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 và 2024
- Đối với vaccine sản xuất trong nước
Như đã nêu ở trên, các loại vaccine sản xuất trong nước nếu giao cho Bộ Y tế mua thì không thể thực hiện đấu thầu.
Trường hợp mua theo phương thức đặt hàng, cần được thực hiện như sau:
Các địa phương đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế; thực hiện uỷ quyền cho Bộ Y tế đặt hàng;
(ii) Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí;
(iii) Bộ Y tế tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định;
(iv) Các địa phương: căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.
Đề thực hiện phương thức này, thì cần phải thực hiện một trong 2 phương án:
Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 4 Điều 8 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP và Điều 7 Nghị định 32/2019/NĐ-CP: Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, việc sửa các Nghị định sẽ mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.
Phương án 2: Ban hành Nghị quyết của Chính phủ, cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vaccine sản xuất trong nước trong chương trình TCMR.
- Đối với vaccine nhập khẩu
Các loại vaccine nhập khẩu gồm 03 loại:
Vaccine bại liệt IPV Hiện đã có đủ cho nhu cầu năm 2023 và 2024 từ nguồn viện trợ, sẽ cấp phát cho địa phương.
Vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1 phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib):
Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm theo hình thức đàm phán giá theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế: Các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương (như các địa phương đề nghị).
Vaccine phòng bệnh do vi rút Rota
vaccine phòng bệnh do vi rút Rota hiện nay có 03 số đăng ký lưu hành (02 số đăng ký lưu hành vaccine nhập khẩu và 01 số đăng ký lưu hành của nhà sản xuất trong nước[7]). Tuy nhiên:
- Vaccine này không thể đấu thầu tập trung cấp quốc gia được vì: nhà sản xuất trong nước không đủ tư cách hợp lệ khi tham gia đấu thầu; 2 nhà cung cấp nước ngoài thì vaccine có thành phần định lượng không giống nhau, dẫn đến không đưa về cùng một mặt bằng tiêu chí kỹ thuật để đấu thầu (do chỉ có 2 loại, nếu ghi rõ thêm các tiêu chí kỹ thuật thì sẽ chỉ rõ loại vaccine, vi phạm quy định đấu thầu), mức giá kê khai cũng chênh lệch nhau nhiều.
Do vậy, Bộ Y tế đề xuất phương án mua vaccine này như sau:
- Bộ Y tế sẽ thông báo cho địa phương đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu;
- Căn cứ vào nhu cầu đăng ký của địa phương: Bộ Y tế thực hiện mua sắm theo hình thức đàm phán giá đối với vaccine nhập khẩu và đặt hàng đối với vaccine sản xuất trong nước.
Tóm lại:
Các loại vaccine nhập khẩu (trừ Rota): sử dụng nguồn viện trợ hoặc đấu thầu tập trung theo quy định hiện hành và không có vướng mắc;
Đối với 10 loại vaccine sản xuất trong nước (trong đó có Rota sản xuất trong nước): Bộ Y tế đề nghị được Chính phủ cho thực hiện mua theo phương thức đặt hàng.
Đề xuất, kiến nghị
Do không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật đấu thầu đối với các vaccine tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước (do các đơn vị sản xuất trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và không thể mua sắm theo quy định từ điều 21 đến điều 25 Luật Đấu thầu), để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ:
- Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương với nội dung chính như sau:
Đối với 10 loại vaccine (Bạch hầu, Ho gà, uốn ván (DPT); vaccine uốn ván hấp phụ (TT); vaccine phòng lao đông khô (BCG); vaccine uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); Viêm não Nhật Bản; Viêm gan B; Sởi; Sởi - Rubella (MRVAC); Bại liệt (bOPV)) và Rota sản xuất trong nước: Giao cho Bộ Y tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vaccine gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố uỷ quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.
- Giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2024.
[1] Công văn số 3033/BYT-KHTC ngày 02/6/2020; Công văn số 7272/BYT-KH-TC ngày 27/12/2020; Công văn số 5925/BYT-KH-TC ngày 23/7/2021.
[2] Công văn số 448/DP-TC ngày 25/04/2023 về hướng dẫn xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng các vaccine trong chương trình mở rồi, Công văn số 467/AIDS/ĐTr ngày 24/04/2003 Hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu thuốc kháng HIV chuyển từ nhiệm vụ thuộc CTMT - YTDS thành nhiệm vụ chi thường xuyên.
[3] Bình Định, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Sơn La, Tiền Giang, Phú Yên, Đắc Nông, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Cà Mau, Ninh Bình, Thanh Hóa.
[4] - Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
- Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP;
- Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;
- Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đổi với hàng hóa, dịch vụ;
[5] Quyết định số 2059/QĐ-BYT đối với vaccine Viêm gan B, Quyết định số 2060/QĐ-BYT đối với vaccine Uốn ván – Bạch hầu (Td), Quyết định số 2061/QĐ-BYT đối với vaccine Viêm não Nhật Bản, Quyết định số 2062/QĐ-BYT đối với vaccine Uốn ván (TT), Quyết định số 2063/QĐ-BYT đối với vaccine Sởi – Rubella, Quyết định số 2064/QĐ-BYT đối với Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (DPT), Quyết định số 2065/QĐ-BYT đối với vaccine Rota, Quyết định số 2067/QĐ-BYT đối với vaccine Lao (BCG), Quyết định số 2069/QĐ-BYT đối với vaccine Sởi, Quyết định số 2070/QĐ-BYT đối với vaccine Bại liệt uống nhị liên (bOPV).
[6] Bạch hầu, Ho gà, uốn ván (DPT); vaccine uốn ván hấp phụ (TT); vaccine phòng lao đông khô (BCG); vaccine uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); Viêm não Nhật Bản; Viêm gan B; Sởi; Sởi - Rubella (MRVAC); Bại liệt (bOPV)
[7] Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm- POLYVAC, trực thuộc Bộ Y tế.
Nguyễn Trang
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm