Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh một con gái đầu và con gái thứ hai

Bộ Y tế vừa đề xuất một loạt chính sách khuyến khích sinh đủ hai con, đặc biệt ưu tiên cho gia đình có bé gái đầu tiên và bé gái thứ hai. Mục tiêu là giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vốn vẫn cao và không ổn định
12/07/2025 17:51

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới và công bố báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2025 của Quỹ dân số Liên hợp quốc, vừa diễn ra ngày 11/7 vừa qua , Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Theo đánh giá 7 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Dan-So-Bt

Thống kê cho thấy, tổng tỉ suất sinh của cả nước đang giảm ở mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Kết quả điều tra biến động dân số 1.4.2024: Năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ, giảm xuống 1,96 con/phụ nữ năm 2023 và 1,91 con/phụ nữ năm 2024, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam. Cùng với đó, quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam.

Tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên.

Kết quả điều tra biến động dân số 1.4.2024: Tỉ số giới tính khi sinh năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái và năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này vượt xa ngưỡng tự nhiên là khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái.

Sự mất cân bằng này tác động tiêu cực đến cấu trúc dân số tương lai, dẫn đến dư thừa nam giới. Tổng cục Thống kê dự báo nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, và con số này có thể lên tới 1,8 triệu vào năm 2059.

Sự mất cân bằng chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. 10 trong 11 tỉnh thuộc khu vực này có tỷ lệ trên 110, nổi bật là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (118,5), Hà Nội (118,1) và Hưng Yên (116,7). Một số tỉnh miền Trung du và miền núi phía Bắc cũng ghi nhận tỷ lệ cao như Bắc Giang (116,3), Sơn La (115), Lạng Sơn (114,5) và Phú Thọ (113,6). Ngược lại, các tỉnh phía Nam giữ mức gần cân bằng tự nhiên, dao động từ 105 đến 108.

Tình trạng mang thai và sinh con ở phụ nữ tuổi chưa thành niên có xu hướng tăng; tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở khu vực Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc vẫn còn rất cao (21,9%).

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang tích cực tập trung xây dựng Luật dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026 - 2035 với mục tiêu bảo đảm an sinh, sức khỏe, bình đẳng cho mọi người dân với nguyên tắc lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền mặt hoặc hiện vật với các gia đình sinh con một bề, 2 con gái. Ảnh: BVCC

Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền mặt hoặc hiện vật với các gia đình sinh con một bề, 2 con gái. Ảnh: BVCC

Bộ cũng đang đề xuất trong dự thảo Luật để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) có một số nội dung ưu tiên như: Ưu đãi về chế độ nghỉ thai sản; hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi sinh con; hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con khi sàng lọc trước sinh và sơ sinh; ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và các hỗ trợ khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

"Bộ Y tế đề xuất nhiều chính sách mang tính đột phá, đáng chú ý ưu đãi tài chính hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật với gia đình sinh con một bề, có hai con gái; quy định các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh phù hợp với mỗi địa phương và cả nước" - Bộ trưởng nói.

Các biện pháp, chính sách hỗ trợ khác cũng được thực hiện để duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận