Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường phòng, chống dịch năm 2023

Ngày 14/4, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường phòng, chống dịch năm 2023, với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố trên cả nước.
15/04/2023 10:12

Theo số liệu báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy: Năm 2022, cả nước ghi nhận 371 nghìn ca mắc bệnh sốt xuất huyết, có 144 ca tử vong. Số mắc tăng hơn năm lần, số ca tử vong tăng 5,3 lần so với năm 2021. Bệnh tay, chân, miệng ghi nhận hơn 66 nghìn trường hợp mắc, có ba ca tử vong (số mắc tăng 1,7 lần, số ca tử vong giảm tám ca). Bệnh dại, ghi nhận 70 ca tử vong, tăng bốn ca so với năm 2021. Riêng bệnh COVID-19, tích lũy từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận 11.528.303 ca, trong đó có 43.186 ca tử vong. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn; các dịch bệnh lưu hành, các bệnh có vaccine dự phòng trong nước như cúm, sởi... cơ bản được kiểm soát.

Empty

Từ đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận được 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có ba ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hoà. Đối với COVID-19, trong tháng 3/2023 cả nước ghi nhận ghi nhận 384 ca (giảm 8,6% so với tháng 2); tuy nhiên hiện số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Cụ thể, trong bảy ngày qua (từ ngày 6/4 đến ngày 12/4), cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với bảy ngày trước đó. Trong đó, nhóm tuổi từ 50 trở lên ghi nhận 262 ca (chiếm 30,9% số ca mắc mới). Riêng ngày 13/4, ghi nhận gần 500 ca mắc mới.

Empty

Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm

Theo Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm: Nguyên nhân tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta gia tăng thời gian qua là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hoá; tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, một số thời điểm; sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất quán. Trong khi đó, việc hướng dẫn, thể chế hoá, các chủ trương, chính sách thiếu cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; hạn chế đầu tư, huy động nguồn lực xã hội dẫn đến hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân; tỷ lệ tiêm chủng một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiếu số sinh sống; tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đạt mong muốn…

Empty

TS.Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh

Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2023, Phó Cục trưởng Nguyễn Lương Tâm cho biết thêm: Dịch COVID-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan. Nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn; một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin cũng có nguy cơ gia tăng số mắc; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn; số chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương đã cùng nhau trao đổi về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thời gian tới như: Triển khai công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng; truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vaccine; các biện pháp kiểm soát COVID-19 trong tình hình mới; kiểm soát nhiễm khuẩn, nhất là không để lây chéo trong các cơ sở y tế…

Empty

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế 

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ chia sẻ khó khăn với các đơn vị, các tỉnh, thành phố về vấn đề về kinh phí khi chuyển từ chương trình mục tiêu quốc gia sang chi thường xuyên.

"Về cơ bản dịch, các dịch bệnh đã được kiểm soát, song nếu kiểm soát dịch tốt hơn thì tỷ lệ mắc các dịch bệnh trong năm 2022 sẽ giảm hơn"- Thứ trưởng nói và cho rằng: "Chúng ta đã cố gắng nhưng cần cố gắng hơn nữa".

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhấn mạnh thêm: Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2023, đề nghị các địa phương nhanh chóng xây dựng, tham mưu, trình UBND cấp tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch COVID-19 để sớm có phê duyệt kinh phí cho công tác phòng chống dịch.

Empty

Chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế trong giám sát, phòng chống, chẩn đoán điều trị bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Thời gian gần đây, ca COVID-19 có dấu hiệu tăng, tỷ lệ chuyển nặng tăng hơn so tháng trước 5 ca, nhưng không có tử vong. Dù vậy, chúng ta vẫn cần cảnh giác để có biện pháp đáp ứng kịp thời với COVID-19, cùng đó tập trung phòng chống các dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác như cúm (giai đoạn chuyển mùa thuận lợi cho virus phát triển).

Việc mua và xin tài trợ vaccine COVID-19 cũng như các vaccine của tiêm chủng mở rộng, Thứ trưởng khẳng định, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế căn cứ vào nhu cầu đề xuất của địa phương gửi về. Thế nhưng có những thời điểm đơn vị chuyên môn đưa vaccine COVID-19 về tận cơ sở mà vẫn không có người nhận.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đề xuất bao nhiêu vaccine thì nhận đúng như thế. Cùng đó, một số tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi, trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp cần cố gắng để đạt tỷ lệ đề ra.

Đánh giá cao mô hình, cách làm của TP. HCM trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết thông qua việc giao chỉ tiêu về từng quận huyện để tránh tình trạng một mình ngành y tế triển khai phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần nghiên cứu các cách làm hiệu quả để triển khai trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Về các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị liên quan đến vấn đề tự chủ, mua sắm, đấu thầu, tiêm chủng vaccine... Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tiếp thu, sớm hướng dẫn các đơn vị, địa phương để đảm bảo hậu cần, vật tư cho công tác tiêm chủng, phòng chống dịch.

"Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến mua sắm, đầu thầu theo phân cấp, đề nghị các địa phương sớm có báo cáo về Bộ Y tế để Bộ sớm tháo gỡ, trao đổi lại theo thẩm quyền. Với những nội dung vượt, ngoài thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, các bộ, ngành, đơn vị liên quan", Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer