Cá nhân làm từ thiện, pháp luật không cấm nhưng phải tuân thủ theo quy định

Hoạt động từ thiện của cá nhân đang đứng trước nhiều bờ vực biến tướng và bị người dân "ném" về cái nhìn kỳ thị. Pháp luật Việt Nam không cấm cá nhân làm từ thiện nhưng phải tuyệt đối tuân thủ theo quy định pháp luật.
20/10/2020 10:13

Thời gian qua, mưa bão, lũ lụt xảy ra hàng năm, khiến nhiều vùng vốn đã khó khăn lại càng thêm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Từ đó, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam lại trỗi dậy, nhiều cá nhân, tổ chức đứng lên kêu gọi ủng hộ để vơi đi những khó khăn mà đồng bào mình đang gánh chịu.

Do đó, hoạt động từ thiện của cá nhân hay tổ chức luôn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta. Đây là một điều đáng được khuyến khích, hoan nghênh.

cuu tro

Hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Ảnh: Zing

Song việc làm từ thiện như thế nào cho đúng đắn, mỗi cá nhân làm từ thiện phải tuân thủ những quy định nào của pháp luật là điều chúng ta phải quan tâm. Bởi lẽ, không chỉ trong đợt mưa lũ nặng nề mà miền Trung đang phải gánh chịu lần này mà rất nhiều những thiên tai, dịch bệnh khác, nhiều nhà hảo tâm đã đứng lên quyên góp tiền của để ủng hộ nhân dân nhưng lại bị nhiều người nhìn nhận với ánh nhìn kỳ thị bởi họ sợ, nhiều người sẽ vì danh nghĩa làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, để tư lợi cá nhân.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật đã cùng giúp bạn đọc có những nhìn nhận khách quan, sâu sắc hơn về từ hoạt động từ thiện của cá nhân dưới góc độ pháp lý.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện ngày 25/11/2019. Theo đó: Quỹ là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

luat su diep

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Quỹ xã hội, quỹ từ thiện do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau: Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có 6,5 tỷ đồng (quy định cũ chỉ yêu cầu quỹ có 05 tỷ đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh có 1,3 tỷ đồng; Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện có 130 triệu đồng; Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã có 25 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng bổ sung những hành vi nghiêm cấm trong việc thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ như sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng hoặc hỗ trợ tài sản được ngân sách Nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ.

Tuy nhiên, theo luật sư Bình, phạm vi điều chỉnh thì Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

"Không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái. Chỉ khi nào các cá nhân, tổ chức nhận ủy quyền nhưng không thực hiện việc chuyển tài sản đến cho người dân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

Nói về cơ chế giám sát của pháp luật đối với việc làm từ thiện của cá nhân, luật sư cũng cho biết, hiện nay không có cơ chế nào giám sát vấn đề này theo luật định. Pháp luật chỉ giám sát cơ chế hoạt động của quỹ từ thiện. Do đó, khi các "mạnh thường quân" muốn làm từ thiện, quyên góp ủng hộ để giúp đỡ người dân gặp khó khăn nên lựa chọn các tổ chức cá nhân uy tín, làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm.

Như vậy, việc cá nhân làm từ thiện hoàn toàn không bị pháp luật Việt Nam cấm song người thực hiện hoạt động từ thiện phải tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định mà Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định, tuyệt đối không được vì mục đích tư lợi cá nhân, vì lợi nhuận mà khiến từ thiện biến tướng, trở thành một "nghề" mà dư luận vô cùng kỳ thị.

Thùy Dương

 

comment Bình luận

largeer